Đại biểu Quốc hội lo ngại học sinh được đào tạo thành những 'rô bốt vô cảm'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/06/2018 18:47 GMT+7

Góp ý dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục , đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) cho rằng, Bộ Giáo dục - Đào tạo đang buông lỏng 2 chữ "giáo dục" mà chỉ lao vào 2 chữ "đào tạo".

Nữ đại biểu tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi: "Chúng ta có từng nghĩ, tại sao đất nước đang ngày một phát triển mà đạo đức xã hội lại ngày càng xuống cấp? Nguyên nhân từ đâu, do ai và ai là người phải chịu trách nhiệm cho mâu thuẫn này?".
Theo đại biểu, nhìn thẳng vào sự thật thì hiện nay, nhà nhà đào tạo thủ tướng, trường trường đào tạo bộ trưởng. "Và kết quả là, học sinh chưa vào lớp 1 đã thuộc làu bảng cửu chương và nói tiếng nước ngoài như gió để thi tuyển đầu vào lớp 1. Lên cấp 2 thì giỏi toàn diện cả văn toán, ngoại ngữ với thang điểm tuyệt đối. Vào cấp 3 thì thuộc sử người như chính mình được sinh ra và lớn lên tại xứ sở ấy, nhưng chả mảy may suy nghĩ về việc cha ông đã đổ máu để giành độc lập dân tộc, để bây giờ mình cầm cờ người đi tham gia biểu tình, gây rối trật tự an ninh, hay về nhà đội khăn màn rồi đập phá bàn thờ tổ tiên của ông bà", nữ đại biểu bày tỏ lo lắng.
Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp cũng cho rằng, những người ưu tú nhất lựa chọn học giáo viên hay bác sĩ nhưng có thầy cô vẫn yêu thương học trò tới mức gõ thước lên đầu học sinh kèm theo câu nói: "Học ngu thế này làm sao sau này thay cha!". Bác sĩ cũng có người những người hành nghề với mục đích kiếm tiền nên bệnh nhân đau 1 thì sẽ vẽ ra 10.
"Và rồi, tài năng như vị trí của một bộ trưởng nhưng không dám nhận năng lực lãnh đạo quản lý của mình kém, không dám hiên ngang tuyên bố nếu còn để xảy ra sai sót sẽ từ chức mà chỉ nói rằng, tất cả là công việc chung của Chính phủ, Quốc hội...", đại biểu này tiếp tục nêu.
Cũng theo đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, nguy cơ của giáo dục Việt Nam hiện nay là chỉ quan tâm tới trí tuệ mà bỏ qua cảm xúc - điều khiến con người khác biệt với con vật. Do đó, "nếu chúng ta tiếp tục tiến hóa theo cái cách như vài năm vừa qua mà giáo dục đang đi, thì chả mấy chốc, con cháu chúng ta trở thành những con robot vô cảm, thiếu lòng tự tôn dân tộc, sống vị kỷ cá nhân, không dám tự chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của mình trước cộng đồng và pháp luật", nữ đại biểu lo ngại. 
Từ đó, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri để hoàn thiện dự Luật một cách có hiệu quả, với mục đích rõ ràng về 4 chữ giáo dục và đào tạo, chứ không phải để chăm chăm vào việc khai thác tạo ra đồng tiền, thông qua các chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục.
"Đề nghị Luật này phải được sửa toàn diện với tinh thần không vội vàng. Có thể xem xét qua 3 kỳ họp để ban soạn thảo có thời gian điều kiện nghiên cứu, tiếp thu nhằm đảm bảo hiệu quả khi cho ra lò một sản phẩm không theo tư duy nhiệm kỳ", nữ đại biểu khẳng định.
Nền giáo dục đang làm việc đổ đầy nhiều hơn là thắp sáng
Hiện nay, chúng ta đang gắn việc giáo dục với việc đánh giá học sinh, sinh viên bằng điểm số các môn học qua các kỳ thi. Nền giáo dục của chúng ta đang làm cái việc đổ đầy, nhiều hơn là thắp sáng. Các chương trình giáo dục nặng nhiều hơn về nhồi nhét kiến thức.
Trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA cho thấy, kết quả học sinh Việt Nam vượt qua các học sinh trong khu vực và liên tục vượt trội so với các nước Mỹ, Anh trong các bài kiểm tra về toán học và khoa học. Nhưng thực tế, học sinh chúng ta rất yếu kém về kỹ năng, sự hiểu biết về cuộc sống và nhất là tình độ ngoại ngữ. Tất cả những yếu kém này rất khó có cơ hội cho người Việt  Nam hòa nhập trên thế giới tiến bộ.
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.