(TNO) Thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hàng hải Việt Nam tại Quốc hội sáng nay 22.6, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, luật cần quan tâm tạo hành lang pháp lý xử lý một số vấn đề bức xúc phát sinh trong thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Ông Thường cho biết, hiện có tình trạng tồn đọng hàng ngàn container rác thải công nghiệp từ nước ngoài vào Việt Nam dưới dạng tạm nhập tái xuất tại các cảng, gây ô nhiễm môi trường, chiếm dụng kho bãi... mà chưa thể xử lý do thiếu chính sách, thiếu hành lang pháp lý, thiếu chế tài xử lý.
Theo đại biểu Thường, cần xem xét đưa vào luật sửa đổi lần này các điều khoản để xử lý tình trạng các hãng tàu áp đặt thu phụ phí theo cước vận tải biển vô tội vạ với các doanh nghiệp Việt Nam mà không có sự kiểm soát của bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào.
“Kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy, có đến gần 70 loại phụ phí các loại, trong đó có nhiều loại phụ phí vô lý và do không bị kiểm soát cho nên các hãng tàu đã tận dụng để áp đặt các khoản phụ phí không tương xứng với chi phí thực tế mà họ phải gánh chịu”, ông Thường dẫn chứng.
Liên quan đến vấn đề logistic, đại biểu Thường cho rằng, cần tạo chính sách phát triển hoạt động này. Theo ông Thường, chi phí logistic tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Singapore chiếm khoảng 10% GDP, còn tại Việt Nam chiếm khoảng 20% GDP (khoảng trên 20 tỉ USD).
“Mặc dù giá trị dịch vụ logistic ở Việt Nam lên đến trên 20 tỉ USD mỗi năm nhưng do sự yếu kém của các công ty nội địa, chiếc bánh khổng lồ này phần lớn rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Ngay khái niệm về giao nhận vận tải và logistic cũng không được quy định rõ ràng, gây lẫn lộn. Hậu quả là doanh nghiệp logistic bùng nổ nhưng phát triển dịch vụ logistic theo đúng chuẩn thì không”, ông Thường phân tích.
Đại biểu này đồng thời phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp yếu năng lực, vốn không đóng góp cho sự phát triển chung của ngành logistic lại “phá thị trường” bằng cách giảm giá để cạnh tranh và cảnh báo: Việc này giúp các công ty nước ngoài có thể ép doanh nghiệp logistic và khách hàng Việt Nam…
Để thúc đẩy ngành logistic Việt Nam phát triển, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, theo ông Thường, cần thiết phải có một hành lang pháp lý, một hệ thống chính sách đồng bộ, đủ mạnh và một đầu mối trách nhiệm triển khai, ví dụ như một Ủy ban logistic quốc gia, nhắm tới thiết lập một hệ thống logistic ngang tầm quốc tế. Trên cơ sở đó tăng cường thuận lợi hóa trong các hoạt động thương mại gắn kết logistic, góp phần giảm chi phí và tăng giá trị gia tăng cho ngành logistic.
Theo đại biểu Thường, trong bối cảnh toàn cầu hóa về thương mại, cảng biển được xem là một mắt xích quan trọng không thể thiếu của chuỗi logistic toàn cầu. Hiện nay hàng hóa ngoại thương của Việt Nam có tới 90% được thông qua bằng đường biển và cảng biển chính là điểm triển khai quan trọng trong toàn hệ thống của chuỗi dịch vụ logistic. “Do vậy, sự thiếu hụt hay yếu kém của hệ thống cảng biển sẽ là những trở ngại lớn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistic vốn còn non trẻ nhưng nhiều tiềm năng này”, đại biểu Thường nhấn mạnh.
Góp ý thêm cho dự luật, đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, tình hình an ninh biển Đông diễn biến phức tạp, các quốc gia liên quan tăng cường và chú trọng đến an ninh hàng hải. Do đó, để có cơ sở phát triển vững chắc kinh tế biển, đóng góp vai trò to lớn về an ninh hải hải trong khu vực, cần xây dựng một chương riêng quy định về an ninh hàng hải.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng kiến nghị cần bổ sung quy định để hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường, hội nhập quốc tế, xúc tiến đầu tư hoặc có cơ sở pháp lý để tiến hành đại diện hàng hải tại một số quốc gia phát triển về ngành hàng hải hoặc quốc gia mà đậu tại biển Việt Nam đang tập trung.
Được lựa chọn về một cục hoặc về hưu
Chiều nay, 22.6, với 81,78% số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc.
Theo Nghị quyết, kể từ 1.1.2016, người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014).
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Bình luận (0)