Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất '12 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự'

08/06/2024 20:30 GMT+7

Cho rằng 'trẻ em bây giờ lớn, khôn nhanh lắm', đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí kiến nghị giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống 12, thay vì 14 như quy định hiện hành.

Ngày 8.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Tư pháp người chưa thành niên. Luật này do TAND tối cao chủ trì soạn thảo.

Theo quy định hiện hành tại bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà bộ luật này có quy định khác.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất '12 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí

GIA HÂN

"Bây giờ trẻ em lớn, khôn nhanh lắm"

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), đặt câu hỏi "Vì sao độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự lại là 14". Cơ sở để lấy độ tuổi này dựa vào tâm lý hay sinh lý?

Cho rằng "bây giờ trẻ em lớn, khôn nhanh lắm, trưởng thành về mặt tâm lý, sinh lý, hiểu biết", ông Trí đề xuất nên quy định độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự xuống 12.

Về băn khoăn trên, Chánh án TAND TP.Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, các quy định của bộ luật Hình sự được thiết kế nhằm phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Theo đó, pháp luật hình sự hiện hành đang quy định 2 nhóm tuổi chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự, gồm từ đủ 14 đến dưới 16 và từ đủ 16 đến dưới 18. Cả 2 nhóm này, mức hình phạt áp dụng cho người chưa thành niên đều khác (nhẹ hơn - PV) so với mức hình phạt áp dụng cho người trưởng thành.

Cùng bày tỏ quan điểm về vấn đề mà đại biểu Trí nêu, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nói rằng việc xử lý người chưa thành niên phạm tội thể hiện chính sách hình sự của một Nhà nước.

Chính sách ấy không chỉ căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên mà còn phải thể hiện quan điểm nhân văn, nhân đạo của Nhà nước.

Vì thế, Nhà nước càng phát triển thì chính sách hình sự càng phải nhân văn, nhân đạo, đồng nghĩa độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự càng phải tăng lên.

Dẫn chứng cho quan điểm của mình, ông Hà cho hay, bộ luật Hồng Đức từng quy định 7 tuổi đã bị xử lý hình sự, sau đó đến bộ luật Gia Long là trên 7 tuổi.

Sau này, độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự tiếp tục được nâng dần. Bộ luật Hình sự năm 1985 và bộ luật Hình sự năm 1999 quy định 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với gần như tất cả các tội.

Đến bộ luật Hình sự năm 2015 mới nhất, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự vẫn là 14, nhưng phạm vi được thu hẹp còn 28 tội danh.

"Tức là tuổi chịu trách nhiệm hình sự càng ngày càng thu hẹp, chứ không phải càng ngày càng giảm xuống tuổi thấp hơn", ông Hà nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất '12 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự'- Ảnh 2.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

TUYẾN PHAN

Giảm mức phạt tù với người dưới 18 tuổi để nhân văn hơn

Cũng liên quan đến vấn đề độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, tại dự thảo luật, TAND tối cao đề xuất giảm mức hình phạt tù cao nhất từ 18 năm xuống 15 năm tù đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, giảm từ 12 xuống 9 năm tù đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm.

Quy định này không áp dụng với người chưa thành niên nếu phạm một trong 5 tội giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và sản xuất trái phép chất ma túy.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định người chưa thành niên vốn chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, kiến thức pháp luật, khả năng kiểm soát hành vi kém hơn người trưởng thành, thường bốc đồng, thậm chí là manh động.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật hình sự của Việt Nam hiện còn quá nặng nề với người chưa thành niên phạm tội.

"Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở lên chai sạn với hình phạt phạm tội. Từ việc làm quen như vậy sẽ không sợ nữa. Đó là lý do tội phạm tăng", ông Bình nói, và cho biết, dự thảo luật được thiết kế theo hướng đẩy mạnh áp dụng các biện pháp chuyển hướng (cảnh cáo, xin lỗi, đi học tập…). Việc áp dụng hình phạt đưa vào nhà tù chỉ thực hiện khi không còn giải pháp nào khác.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với đề xuất giảm mức phạt tù với người chưa thành niên phạm tội như dự thảo của TAND tối cao.

Quy định này bảo đảm thể chế hóa chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội; đồng thời góp phần thực hiện tốt nguyên tắc được nêu tại bộ luật Hình sự.

Theo đó, khi xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người dưới 18 tuổi được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.