TAND cấp cao tại Hà Nội mới đây xét xử phúc thẩm vụ "đại án" kit test Việt Á. Hội đồng xét xử quyết định giảm hình phạt cho một loạt bị cáo, đáng chú ý trong số này là ông Trần Thanh Phong (thời điểm bị khởi tố đang là Phó trưởng phòng thuộc CDC tỉnh Bình Dương) được miễn trách nhiệm hình sự.
Trước ông Phong, một bị cáo khác cũng được áp dụng chính sách hình sự này, đó là ông Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương).
Việc có đến 2 bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự trong một vụ án, nhất là lại ở giai đoạn xét xử, là điều khá hiếm gặp thời gian qua. Vậy, miễn trách nhiệm hình sự là gì, người được miễn trách nhiệm hình sự có phải là vô tội?
Điều kiện gì để được miễn trách nhiệm hình sự?
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, miễn trách nhiệm hình sự là một chính sách hình sự thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước.
Miễn trách nhiệm hình sự được áp dụng trong trường hợp xét thấy người phạm tội không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không cần buộc họ phải chịu hình phạt mà vẫn đảm bảo được yêu cầu phòng, chống tội phạm, vẫn đảm bảo được yêu cầu giáo dục đối với họ để trở thành người có ích cho xã hội.
Miễn trách nhiệm hình sự cho một người sẽ kéo theo hệ quả pháp lý là người đó không phải chịu hình phạt hoặc biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt và không được coi là có án tích.
Điều 29 bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rất cụ thể các căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự.
Theo đó, người phạm tội được (bắt buộc - PV) miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá; hoặc khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Người phạm tội có thể được (không bắt buộc - PV) miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; hoặc người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; hoặc trước khi hành vi phạm tội bị phát giác đã tự thú, khai rõ sự việc…
Trở lại vụ án kit test Việt Á, 2 bị cáo thuộc CDC tỉnh Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự có thể xuất phát từ căn cứ "do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa".
Trong bản án, tòa cũng nhận định rằng, 2 người này tuy có hành vi vi phạm quy định đấu thầu và gây thiệt hại cho nhà nước, nhưng cả hai không có động cơ vụ lợi, không hưởng lợi ích gì, thực hiện hành vi xuất phát từ bối cảnh dịch bệnh và lợi ích của cộng đồng.
Miễn trách nhiệm hình sự có phải là vô tội?
Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, khẳng định miễn trách nhiệm hình sự không có nghĩa là vô tội. Người được miễn trách nhiệm hình sự về bản chất là có hành vi vi phạm pháp luật, nhưng được cơ quan tố tụng áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, nên không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đó.
Điều này cũng đồng nghĩa, người được miễn trách nhiệm hình sự không có quyền yêu cầu bồi thường oan, sai; kể cả trong trường hợp trước đó bị bắt tạm giam.
"Chỉ khi tòa án tuyên bị cáo không có tội thì thời hạn tạm giam mới là căn cứ để tính toán về mức bồi thường thiệt hại do bị giam oan, sai", luật sư Tâm chia sẻ.
Vẫn theo luật sư Tâm, việc miễn trách nhiệm hình sự cho 2 bị cáo trong vụ án kit test Việt Á ngoài thể hiện sự khoan hồng còn là "quyết định dũng cảm" của hội đồng xét xử. Điều này đã cụ thể hóa chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, làm vì lợi ích chung và không có tư lợi cá nhân.
Một câu hỏi khác được nhiều người đặt ra: miễn trách nhiệm hình sự có thể được áp dụng ở giai đoạn nào, có phải chỉ khi ra tòa xét xử thì mới được xem xét?
Luật sư Tâm cho hay, điều 29 bộ luật Hình sự 2015 đã quy định rõ, người phạm tội được (hoặc có thể) miễn trách nhiệm hình sự ở cả 3 giai đoạn tố tụng, gồm điều tra, truy tố hoặc xét xử. Nghĩa là, trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào vừa nêu, nếu xét thấy người phạm tội có đủ điều kiện, cơ quan tố tụng đều có thể miễn trách nhiệm hình sự cho họ.
Lấy ví dụ ngay trong vụ kit test Việt Á, ông Nguyễn Trường Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, dù có hành vi ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời cho kit test Việt Á, nhưng vì không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á, cũng không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi..., nên được cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Tương tự ở vụ án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), có đến 7 thành viên đoàn thanh tra dù nhận tiền từ SCB nhưng đã được cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Lý do bởi những người này là cấp dưới, chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao; cả 7 người đều hợp tác tích cực, chủ động nộp lại toàn bộ tiền đã nhận từ SCB trước khi vụ án bị khởi tố…
Bình luận (0)