Sáng 25.10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo luật Căn cước. Dự án luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, nhằm sửa đổi, bổ sung cho luật Căn cước công dân năm 2014 đang có hiệu lực.
Nên bắt buộc hay tự nguyện thu thập mống mắt?
Theo dự thảo, thông tin sinh trắc học trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN và giọng nói. Trong đó, ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc quá trình giải quyết vụ việc cơ quan chức năng thực hiện trưng cầu giám định thì chia sẻ dữ liệu để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Băn khoăn với quy định này, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) đề nghị không bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học là mống mắt.
Quốc hội tranh luận về dự thảo luật Căn cước: Nên bắt buộc hay tự nguyện thu thập mống mắt?
Ông nhận định, hiện nhiều nơi chưa được trang bị đầy đủ thiết bị để thực hiện lấy mống mắt, đồng thời thực tiễn cũng chưa cần thiết phải thu thập. "Hơn 80 triệu thẻ căn cước công dân đã cấp thời gian qua phần lớn chưa bao gồm thông tin sinh trắc học, nếu phải bổ sung, cập nhật sẽ là rất lớn", ông nói.
Vị đại biểu Quốc hội đề xuất chỉ nên quy định thu thập thông tin về mống mắt theo hướng người dân tự nguyện cung cấp hoặc chia sẻ dữ liệu từ cơ quan chức năng, tương tự với ADN và giọng nói.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) cho rằng quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp.
Ông Đức dẫn chứng thực tế cho thấy do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Trong khi đó, mống mắt lại là đặc điểm nhận dạng cố định. Vì thế, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là cần thiết.
Lo lãng phí khi phải đổi thẻ do điều chỉnh địa giới hành chính
Nhất trí với sự cần thiết xây dựng luật sửa đổi, tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) băn khoăn về câu chuyện chính sách liên tục thay đổi. Trước đây, căn cước công dân không gắn chip đổi sang gắn chip, giờ căn cước công dân lại đổi sang căn cước.
Việc thay đổi có thể mang lại những tiện ích như thuyết minh của cơ quan soạn thảo, tuy vậy, nhiều người cũng lo lắng về sự phát sinh, phiền hà. Ông Hòa đề nghị cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đề xuất những chính sách mới, tránh lãng phí.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đề cập tới điều 24 dự thảo luật, quy định một trong các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là "khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính".
Bà Thủy cho rằng, quy định như vậy sẽ dẫn đến số lượng người phải đổi thẻ căn cước là cực kỳ lớn. Người dân sẽ mất chi phí, thời gian, công sức đi lại, dẫn tới phiền hà. Cơ quan quản lý thì chịu thêm áp lực, khi bản thân việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã khiến khối lượng công việc tăng nhiều lần, nay lại phải gánh thêm hoạt động này.
Nữ đại biểu cũng viện dẫn giải thích của cơ quan soạn thảo về việc sẽ miễn lệ phí cấp đổi trong trường hợp điều chỉnh địa giới hành chính, để hạn chế tác động tới người dân. Nhưng dù vậy, việc phát sinh chi phí vẫn xảy ra, chỉ chuyển từ người dân sang Nhà nước.
Theo tính toán của bà Thủy, với một đơn vị hành chính cấp xã quy mô vừa khoảng 5.000 dân, chi phí đổi thẻ là 250 triệu đồng; với đơn vị hành chính cấp huyện quy mô vừa khoảng 100.000 dân, chi phí là 5 tỉ đồng. Còn nếu là đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn, chi phí cũng sẽ tăng theo tỷ lệ thuận. Do đó, bà Thủy đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này.
Xem nhanh 12h ngày 25.10: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)