Đại biểu Quốc hội trẻ em chỉ ra nguyên nhân của bạo lực học đường

Vũ Thơ
Vũ Thơ
28/09/2024 18:29 GMT+7

Trong phiên thảo luận tổ của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2, các đại biểu đã thảo luận về phòng chống bạo lực học đường. Nhiều đại biểu đưa ra những lý do khiến người lớn phải 'giật mình'.

Chiều 28.9, tại Tòa nhà Quốc hội đã diễn ra phiên thảo luận tổ của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2, năm 2024. 306 đại biểu trẻ em đã chia thành 12 tổ để thảo luận về 2 chủ đề "Phòng chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường".

Lý do "giật mình" về bạo lực học đường

Nêu ý kiến về chủ đề "Phòng chống bạo lực học đường", nhiều đại biểu cho biết đây đang là vấn đề đáng lo ngại với thực trạng đáng báo động, diễn ra dưới nhiều hình thức và xảy ra không chỉ ở nhà trường mà còn có thể ở những môi trường khác nhau như trên mạng xã hội. Đưa ra lý do về thực trạng này, nhiều bạn cho rằng có nguyên nhân từ gia đình.

Đại biểu Quốc hội trẻ em chỉ ra nguyên nhân của bạo lực học đường- Ảnh 1.

Các đại biểu trẻ em tham gia thảo luận tổ về chủ đề của phiên họp giả định

ẢNH: MINH HIỂN

Đại biểu Biện Nguyễn Khôi Nguyên (đến từ Hà Tĩnh) cho biết, ở địa phương mình có nhiều gia đình bố mẹ đi xuất khẩu lao động, nên giao phó việc chăm sóc con cái cho ông bà hoặc thuê người trông coi.

"Ở độ tuổi dậy thì với nhiều bất ổn về tâm lý, khi thiếu đi bàn tay chăm sóc, gần gũi của cha mẹ, nên con cái dễ bị lệch lạc cả tâm lý và hành vi. Bên cạnh đó, hiện tại có nhiều gia đình cũng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Đây cũng là một đòn tâm lý nặng nề lên con trẻ", Khôi Nguyên nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội trẻ em chỉ ra nguyên nhân của bạo lực học đường- Ảnh 2.

Đại biểu trẻ em phát biểu tại phiên thảo luận tổ

ẢNH: MINH HIỂN

Đại biểu Đặng Minh Hoàng (đến từ Quảng Ninh) cũng cho rằng, cuộc sống gia đình trong thời đại công nghệ trở nên tẻ nhạt khi các thành viên ít tương tác với nhau, mỗi người chìm trong thế giới riêng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo.

"Các gia đình dần thiếu sự kết nối, chia sẻ và tương tác để xây dựng văn hóa gia đình. Một số gia đình gặp vấn đề như ly hôn, con cái thiếu sự quan tâm hoặc bố mẹ bận rộn công việc, chỉ tập trung vào cung cấp vật chất mà thiếu sự chăm sóc tinh thần. Thậm chí, có trường hợp bố mẹ bạo hành khiến trẻ bị tổn thương tâm lý, trở nên tự ti, hung hãn, dẫn đến bạo lực học đường", Minh Hoàng chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội trẻ em chỉ ra nguyên nhân của bạo lực học đường- Ảnh 3.

Phiên thảo luận tổ sôi nổi với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trẻ em

ẢNH: MINH HIỂN

Các đại biểu cũng đưa ra những lý do khác dẫn đến bạo lực học đường. Đại biểu Dương Nữ Mai Phương (đến từ Hà Tĩnh) cho rằng, một số trường học chưa có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn bạo lực học đường. Hệ thống giám sát và báo cáo chưa hiệu quả, dẫn đến nhiều vụ việc bị bỏ qua hoặc xử lý không kịp thời. Nhiều học sinh chịu áp lực về thành tích học tập, thiếu sự hỗ trợ tâm lý, dẫn đến các vấn đề tâm lý và hành vi không lành mạnh.

"Bố mẹ thờ ơ không quan tâm nên trẻ em lấy bạo lực học đường để gây sự chú ý", Mai Phương nói.

Đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông vào cuộc

Để phòng, chống bạo lực học đường, các đại biểu trẻ em đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực. Đại biểu Biện Nguyễn Khôi Nguyên đề nghị cần ban hành luật và chính sách quốc gia về phòng, chống bạo lực học đường, dựa trên việc rà soát lại các văn bản hiện hành của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục và đào tạo về bạo lực học đường, tích hợp các chương trình giảng dạy vào chương trình chính khóa cho học sinh và sinh viên; xây dựng hệ thống hỗ trợ tâm lý và tư vấn học đường; tăng cường giám sát và xử lý các hành vi bạo lực học đường.

Đại biểu Quốc hội trẻ em chỉ ra nguyên nhân của bạo lực học đường- Ảnh 4.

Hai đại biểu chủ trì phiên thảo luận tổ

ẢNH: MINH HIỂN

Đồng thời, Khôi Nguyên đề xuất cần tạo môi trường gia đình thật đầm ấm, gần gũi, tình cảm, cha mẹ luôn nêu gương và quan tâm con cái sẽ là bệ phóng tinh thần để các con phát triển nhân cách toàn diện. Đại biểu Đặng Minh Hoàng cũng cho rằng, gia đình rất quan trọng trong quá trình hình thành tính cách và hành vi của trẻ. Vì vậy, gia đình cần dành nhiều thời gian trò chuyện, lắng nghe chia sẻ của con để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của con.

Theo đại biểu Dương Nữ Mai Phương, ngành giáo dục đào tạo cần ban hành văn bản chỉ đạo và phát triển tài liệu về phòng, chống bạo lực học dường, đôn đốc các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học có lồng ghép tuyên tuyền, giáo dục về quyền và trách nhiệm của học sinh, cách đối phó với bạo lực thông qua các giờ sinh hoạt dưới cờ… Đồng thời, tăng cường thiết lập và vận hành hiệu quả các kênh thông tin về bạo lực học đường bao gồm việc lắp đặt camera an ninh tại các khu vực nhạy cảm trong trường học, hòm thư góp ý... để giám sát và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh.

Đại biểu Quốc hội trẻ em chỉ ra nguyên nhân của bạo lực học đường- Ảnh 5.

Các đại biểu trẻ em tham gia phiên thảo luận ở tổ số 5

ẢNH: QUANG TRƯỜNG

Đặc biệt, nhiều đại biểu đề nghị ngành thông tin và truyền thông cần thực hiện các chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức về bạo lực học đường; đổi mới sáng tạo các hình thức tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình, diễn đàn hấp dẫn giải đáp các thắc mắc, xây dựng các tình huống cụ thể để hướng dẫn chi tiết cách giải quyết cho về bạo lực học đường cho trẻ em.

Đại biểu Trần Thị Khánh Huyền (đến từ Hà Tĩnh) đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông cần kết hợp với các nhà mạng để quản lý thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, có đội ngũ sàng lọc thông tin kỹ càng trước khi phát hành và lưu hành video một cách rộng rãi; trang bị thiết bị công nghệ cao để nhanh chóng phát hiện những bài đăng, video, clip có liên quan đến bạo lực và kịp thời điều tra, thông báo, xử lý nghiêm minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.