Đại biểu Quốc hội: ‘Virus sợ mua sắm đã lên đến Bộ Y tế’

Mai Hà
Mai Hà
25/05/2023 11:07 GMT+7

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng cần sơ kết, sau mấy tháng thực hiện nghị quyết về tháo gỡ khó khăn trong mua sắm thiết bị y tế, hiện trạng này đã thực sự tháo gỡ được hay chưa.

Thảo luận tại tổ sáng 25.5, dẫn ra vấn đề y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) thẳng thắn nêu “các báo cáo đã trộn rất nhiều thuốc an thần, cái gì khó thì né nên đây là nghệ thuật viết báo cáo”.

Đại biểu Quốc hội: ‘Virus sợ mua sắm đã lên đến Bộ Y tế’ - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM)

QUOCHOI

Bà Lan cho rằng, cần có sơ kết sau mấy tháng thì nghị quyết của Chính phủ đã thực sự tháo gỡ được khó khăn về trang thiết bị, thuốc cho các bệnh viện hoạt động hay chưa. Phải tích cực thì mới giải quyết được, nếu không sau này cơ quan điều tra, kiểm toán căn cứ theo luật thì rất khó.

“Bây giờ cứ nói cán bộ y tế cơ sở sợ không dám mua sắm, nhưng virus sợ này đã lên đến Bộ Y tế”, đại biểu đoàn TP.HCM nêu.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: “Vi rút sợ mua sắm đã lan đến Bộ Y tế luôn rồi”

Bà Lan cũng dẫn chứng như việc tiêm chủng mở rộng quốc gia rất cần thiết, trong khi vắc xin thì cạn. Không phải người dân nào cũng có tiền để tiêm vắc xin dịch vụ. Vắc xin tiêm chủng mở rộng yêu cầu phải tiêm đúng thời hạn.

“Chúng ta có con nhỏ, mà chậm một chút bị bệnh trong khi lẽ ra có thể tiêm chủng được thì chúng ta đau xót, ân hận đến mức nào. Vấn đề đơn giản như vậy mà còn đùn đẩy, người dân không có vắc xin để tiêm cho con em”, bà Lan chia sẻ.

Về vấn đề thuốc hiếm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng vừa qua xảy ra vụ ngộ độc rất hiếm gặp. Dù điều tra dịch tễ nguồn gốc đã dò được rồi, nhưng kết luận do chả lụa thì chưa đủ dữ liệu. Đặc biệt khi “xảy ra ngộ độc có thể gây chết người hoặc di chứng, thì té ra chúng ta không có thuốc”.

Theo kinh nghiệm của bà, hàng năm các bệnh viện đều thống kê danh mục thuốc hiếm gửi sở Y tế duyệt, đưa lên Bộ Y tế để cấp số đăng ký cho công ty nhập về.

“Tôi khẩn thiết yêu cầu chúng ta hãy lấy nhu cầu quốc gia, tính toán số lượng, dư hơn thiếu, đắt cũng phải chịu. Nếu bị biến chứng thì thiệt hại còn gấp nhiều lần mua thuốc. Khi chúng ta đàm phán trước, chuẩn bị trước thì giá sẽ rẻ hơn chứ không đắt. Tôi nhìn Bộ Y tế trình mà tôi mệt mỏi, trình lên trình xuống. Xuống đến sở ngành, nhân viên lại cho vào ngăn kéo”, bà Lan nói và cho rằng việc này Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt.

Trước đó, thảo luận tại hội trường về luật Đấu thầu sáng qua 24.5, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng không nên bỏ quy định “trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít thì có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung". Theo ông, nếu bỏ quy định này thì lấy đâu ra thuốc chữa cho bệnh nhân, nhất là với những bệnh hiếm, bệnh nhân ở xa…

Chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, nhiều trường hợp thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân do đấu thầu quá ít khiến nhà cung cấp không bán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.