Đại biểu 'sốt ruột' vì cả ngàn căn hộ xây dở dang 'trơ gan cùng tuế nguyệt'

04/11/2024 12:25 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề cập tới thực trạng lãng phí khi hàng ngàn căn hộ đang bỏ trống, hoặc xây dựng dở dang rồi 'trơ gan cùng tuế nguyệt', cho rằng cần có giải pháp để tháo gỡ.

Sáng 4.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề cập đến vấn đề lãng phí và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này.

Lãng phí tiền, lãng phí nguồn lực và lãng phí niềm tin

Góc độ lãng phí mà đại biểu Thông nhắc tới, đó là sự lãng phí nguồn lực xã hội tại các dự án "trùm mền", công trình "đắp chiếu" nằm rải rác trên phạm vi cả nước.

Đại biểu 'sốt ruột' vì cả ngàn căn hộ xây dở dang 'trơ gan cùng tuế nguyệt'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận

ẢNH: GIA HÂN

Ông Thông nói, hiện chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ, chính xác về sự lãng phí kể trên, nhưng theo cá nhân ông, con số này không dưới hàng trăm nghìn tỉ đồng.

"Đó là con số về mặt tài chính, còn những lãng phí, hệ lụy xoay quanh như lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước… thì không đo đếm hết; và trên hết đó là lãng phí niềm tin của nhân dân" ông Thông phát biểu.

Vị đại biểu đoàn Bình Thuận dẫn chứng một số dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành; hoặc hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống, xây dựng dở dang rồi "trơ gan cùng tuế nguyệt"; rồi các công trình, dự án xây dựng hàng chục năm chưa xong…

Nguyên nhân dẫn tới câu chuyện trên, theo ông Thông thì có nhiều, từ phía nhà đầu tư, doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước. Nhưng dù nguyên nhân gì đi chăng nữa, ông Thông cho rằng cần xác định đây là của cải, nguồn lực của xã hội, của đất nước, do đó phải có biện pháp tháo gỡ.

Gợi mở giải pháp, ông Thông cho hay, tại kỳ họp này Chính phủ trình rất nhiều nội dung, nhiều dự án luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Có thể kể tới như luật Đầu tư, luật Đầu tư công, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, rồi xem xét cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa….

Vị đại biểu đoàn Bình Thuận ghi nhận những công việc trên đã thể hiện tinh thần kiến tạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng. Đồng thời, ông mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay.

Theo vị đại biểu, có thể ban hành các cơ chế đặc thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở một số địa phương cụ thể để triển khai đánh giá và nhân rộng, nhằm phát huy nguồn lực xã hội, phát triển đất nước.

Đại biểu 'sốt ruột' vì cả ngàn căn hộ xây dở dang 'trơ gan cùng tuế nguyệt'- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương

ẢNH: GIA HÂN

Cắt giảm hơn 3.000 thủ tục, "vừa vui vừa chưa vui"

Cùng quan tâm tới nội dung chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) dành thời gian nói về công tác xây dựng pháp luật.

Bà Nga dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ năm 2021 đến tháng 8.2024 có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18.9% trong tổng số các quy định được rà soát). Đây là một con số rất lớn.

Theo nữ đại biểu, những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Những thủ tục không cần thiết này làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

Bà nói, con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. "Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua", đại biểu phân tích.

Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp…

Thực tế, luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định đầy đủ các bước, quy trình để xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định được đăng tải công khai trên các cổng thông tin điện tử.

Tuy nhiên, hiệu quả của công việc trên là chưa cao. Có những cổng thông tin của các bộ, ngành rất ít người dân truy cập để ý kiến, phản hồi về dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.