Đại biểu tranh luận với Phó thủ tướng việc cách chức hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/11/2020 13:16 GMT+7

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh là trái luật Giáo dục đại học và đề nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình.

"Trường đại học Tôn Đức Thắng là điểm sáng của giáo dục đại học"

Trong phiên chất vấn sáng 6.11, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu câu hỏi, vừa qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã cách chức Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh. Việc này được dư luận rất quan tâm.
"Xin hỏi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam việc cách chức như vậy có đúng thẩm quyền của Tổng Liên đoàn theo quy định tại khoản 1, điều 20 của luật Giáo dục ĐH hay không. Tôi xin lưu ý là tôi hỏi thẩm quyền pháp lý chứ không hỏi về công tác cán bộ", đại biểu Vân chất vấn.

ĐBQH Lê Thanh Vân chất vấn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về trường hợp ông Lê Vinh Danh

Dù được Chủ tịch Quốc hội để dành phần trả lời cho các phó thủ tướng đến chiều, song Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị được trả lời ngay.
Ông Đam cho biết, câu hỏi này, đại biểu Vân đã chất vấn trực tiếp và ông đã có trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, 3 phút Quốc hội dành cho ông không đủ để nói về vụ việc tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Nếu trả lời nhát gừng rất dễ hiểu lầm vì đây là vấn đề dư luận quan tâm rất lớn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Phó thủ tướng chỉ cần trả lời thẳng là việc này có đúng hay không.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời ĐBQH Lê Thanh Vân

Trực tiếp trả lời câu hỏi, ông Đam khẳng định, Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Thứ 2, luật quy định rõ hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường. Các chức danh lãnh đạo bao gồm hiệu trưởng phải do hội đồng trường quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền, trong trường hợp này là Tổng Liên  đoàn lao động Việt Nam công nhận.
"Như vậy, nếu trong trường hợp có hội đồng trường thì việc Tổng Liên  đoàn xử lý hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng mà không căn cứ vào đề nghị của hội đồng trường thì là không đúng luật", Phó thủ tướng nói.
Tuy nhiên, theo ông Đam, đây là trường hợp đặc thù vì hội đồng trường của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là chậm trễ do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cho nên, đến thời điểm ban giám hiệu của trường gồm cả hiệu trưởng nhận kỷ luật của Đảng thì Trường ĐH Tôn Đức Thắng không có hội đồng trường.
"Nó có câu chuyện không rõ ràng chỗ này", ông Đam nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 6.11

Ảnh Gia Hân

Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT vào cuộc, trực tiếp lập đoàn công tác do một thứ trưởng Bộ GD-ĐT vào làm việc trực tiếp, làm rõ đúng sai và có hướng dẫn. "Trước hết, thành lập lại hội đồng trường theo đúng luật", ông Đam nói.
Phó thủ tướng cũng khẳng định, Trường ĐH Tôn Đức Thắng là mô hình tốt, là điểm sáng của giáo dục ĐH, trong đó có sự đóng góp của Đảng, Nhà nước, của chính quyền TP.HCM, Tổng Liên đoàn, tập thể cán bộ giáo viên, lãnh đạo trường, gồm cả hiệu trưởng, rất đáng trân trọng. 
"Còn việc xử lý cán bộ thì phải theo các quy định của Đảng, pháp luật về cán bộ công chức và theo thông lệ xử lý cán bộ, kỷ luật hành chính đồng bộ với kỷ luật Đảng", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói thêm.

"Nếu Bộ Nội vụ đồng ý là vi phạm pháp luật"

Tranh luận lại với Phó thủ tướng, đại biểu Lê Thanh Vân đồng tình với "vế thứ nhất" mà ông Đam trả lời là, việc áp dụng luật của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là sai.
Tuy nhiên, ông Vân không đồng tình với giải thích của ông Đam về việc Hội đồng trường Tôn Đức Thắng đã bị giải thể nên Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cách chức hiệu trưởng trường này.

ĐBQH Lê Thanh Vân tranh luận lại với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Ông Vân phân tích, Tổng Liên đoàn lao động có quyền kỷ luật viên chức mình quản lý còn chức danh hiệu trưởng phải thực hiện theo luật. "Chức danh hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa có hội đồng trường thì chưa bị cách chức", ông Vân nói và đề nghị cơ quan chủ quản các cơ sở ĐH nên tôn trọng luật Giáo dục ĐH.
"Chủ trương tự chủ trong giáo dục ĐH Quốc hội vừa thông qua cần được thi hành triệt để", ông Vân nói.
Tranh luận với ông Vân, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM, cho biết bà hiểu ý trả lời của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khác với cách ông Vân hiểu.
"Trong điều kiện Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa có hội đồng trường thì thẩm quyền kỷ luật hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng là do chủ sở hữu là đơn vị quyết định. Trong trường hợp này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kỷ luật Hiệu trưởng Trường Tôn Đức Thắng là đúng quy định", bà Thúy khẳng định.
Theo bà Thúy, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ về vấn đề này và văn bản trả lời của Bộ Nội vụ ngày 21.8.2020 khẳng định do Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa có hội đồng trường nên việc xử lý kỷ luật hiệu trưởng là do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quyết định.

ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy tranh luận với ĐBQH Lê Thanh Vân

Tiếp tục tranh luận với đại biểu Thúy, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị đại biểu Thúy đọc lại luật Giáo dục ĐH vì việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cách chức hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trái luật.
Ông Vân cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải trình về vấn đề này. "Nếu Bộ trưởng Nội vụ đồng ý với việc làm đó thì tôi khẳng định đây là hành vi trái luật", ông Vân nói.
"Chúng ta, những đại biểu Quốc hội vừa mới thông qua luật Giáo dục ĐH. Khoản 1 điều 20 quy định rất rõ như vậy. Bây giờ cứ biện minh, thanh minh thanh nga rằng có cơ sở pháp lý", ông Vân nói và đề nghị các cơ quan chủ quản các trường ĐH phải tôn trọng và tuân thủ triệt để luật Giáo dục ĐH do Quốc hội thông qua.

ĐBQH Lê Thanh Vân tranh luận lại với ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy

Sau phần tranh luận này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, do các đại biểu còn khác nhau về quan điểm nên đề nghị các đại biểu tranh luận trực tiếp với nhau, để dành diễn đàn này cho rất nhiều đại biểu đang chờ chất vấn.
Trước đó, Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1507/QĐ-TLĐ ngày 21.10.2020 thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh, do những vi phạm nghiêm trọng, có tính hệ thống của ông Danh.

Khoản 1 điều 20 luật Giáo dục ĐH 2018 về Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học quy định:

Hiệu trưởng trường ĐH, giám đốc ĐH (gọi chung là hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH) là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH.

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH công lập do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH tư thục, cơ sở giáo dục ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định bổ nhiệm.

Nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng ĐH.

Ngoài ra, tại khoản 2 điều 16 về Hội đồng trường của trường ĐH công lập quy định
Hội đồng trường của trường ĐH công lập có quyền "Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường ĐH".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.