Đại chiến ở Kiev

24/06/2012 03:00 GMT+7

Chia tay đất nước Ba Lan, chúng tôi cùng những cổ động viên xứ sương mù tiến về phương Đông, nơi cuộc thư hùng Anh - Ý sắp diễn ra.

Chia tay đất nước Ba Lan, chúng tôi cùng những cổ động viên xứ sương mù tiến về phương Đông, nơi cuộc thư hùng Anh - Ý sắp diễn ra.

Tàu rời ga Warszawa Gdanska một buổi chiều u ám. Còn nhiều lưu luyến nhưng rồi tôi cũng phải chia tay thành phố bên bờ sông Vistula thơ mộng, chia tay những người Ba Lan đôi lúc lạnh lùng nhưng nhìn chung mến khách, chia tay những người Việt luôn hướng về quê hương và những cô gái suốt ngày đứng dưới hàng bạch dương gió buốt. 

Đi về phương Đông

Tàu đi xuyên đêm, băng qua biên giới để đến đất nước Ukraine láng giềng. Tàu không đông khách, nên trong hành trình dài 17 tiếng, những con người trong xã hội thu nhỏ và di động ấy rất dễ gần nhau. Những người Ukraine, những người Anh, những người Nga và những người Việt Nam sẵn sàng xích lại gần nhau bên ly vodka nóng ấm hay những lon bia đậm đà.

Gần nửa đêm, tàu qua biên giới. Đi theo lộ trình này, bạn sẽ rất dễ dàng biết được thời điểm tàu trườn mình qua đường biên. Ấy là lúc những người lính biên phòng, nhân viên xuất nhập cảnh xuất hiện trên tàu để kiểm tra hộ chiếu. Ấy là lúc những tiếng rung lắc mạnh khi người ta thực hiện việc điều chỉnh bánh tàu để phù hợp với độ rộng của đường ray mới.

Đại chiến ở Kiev 
Cổ động viên Anh phấn khích trước trận đấu - Ảnh: AFP

Đường tàu tại Ukraine và nhiều nước trong “vùng phủ sóng” của đế quốc Nga thuở xưa vẫn giữ nguyên hệ thống ray khổ rộng (1.520 mm). Trong khi đó, Ba Lan sử dụng đường ray theo chuẩn châu Âu (1.435 mm). Sự khác biệt này là hệ quả của lịch sử xung khắc. Hồi thế kỷ 19, Sa hoàng đã quyết định chọn khổ đường ray rộng hơn chuẩn châu Âu nhằm phòng ngừa nguy cơ người phương Tây sử dụng đường sắt để chuyển quân, khí tài xâm lược nước Nga. Phương sách này cũng được Liên Xô duy trì trong suốt thời gian xung đột với Đức và các nước châu Âu khác trong thế kỷ 20. Sự khác biệt ấy tồn tại cho đến hôm nay, trở thành vật cản khá lớn trong việc lưu thông bằng đường sắt từ Nga, Ukraine sang hầu hết các nước châu Âu ở về phía Tây. Tàu của Công ty đường sắt quốc gia Ba Lan (Polskie Koleje Panstwowe - PKP) chạy qua Ukraine, khi tới vùng biên giới, người ta phải cho tàu chạy lên một đường ray có thiết bị điều chỉnh khoảng cách bánh tàu. Công việc này mất chừng 3 tiếng đồng hồ, thế nên hành trình từ Warsaw đi Kiev lẽ ra chỉ mất chừng 13-14 tiếng, lại kéo dài lên tới 16-17 tiếng.

Tôi đã không để ý đến điều đó trong hai lần đi xuyên qua biên giới Ukraine - Ba Lan cách đây hơn một tuần, do lúc bấy giờ mải tiệc tùng với các cổ động viên Đức, Hà Lan. Đến chuyến đi thứ ba, tôi mới có dịp quan sát kỹ việc điều chỉnh bánh tàu.

Sau một hành trình khá vất vả, chúng tôi đến Kiev vào buổi sáng trời nắng nhẹ. Sân ga trung tâm đông đúc khác thường, với rất nhiều cổ động viên đến từ Ý và Anh. Họ đang hướng về Sân vận động Olympic, nơi cuộc đối đầu giữa hai cựu vô địch thế giới sắp diễn ra. 

Niềm mong đợi lớn

Ở đâu có người Anh, ở đó có những cuộc vui rộn ràng. Người Anh không rực rỡ và đông đảo như người Hà Lan áo cam, nhưng họ luôn có những trò vui đặc biệt. Trên đại lộ Khreshchatyk, nơi bây giờ đã được phong tỏa để làm Fan Zone, vào hôm qua, tôi gặp rất đông cổ động viên đến từ xứ sương mù. Họ ngồi uống bia, họ nhảy múa và hát. Những bài hát rất dễ nhận ra qua giai điệu và những lời ca tếu táo. Họ hát về Rooney: “Hắn mập. Hắn hói. Hắn thích những bà sồn sồn. Hắn là Wayne Rooney...”. Tôi đã không gặp nhiều người Anh sôi nổi, và đôi lúc thái quá, khi đến Krakow ở miền nam Ba Lan, nơi đội tuyển Anh đóng quân, trước thềm Euro 2012. Thì giờ đây, giữa quảng trường Độc Lập ở Kiev, tôi đã gặp họ.

“Chúng tôi sẽ thắng Ý và tiếp theo sẽ hạ người Đức”, Ian Hunters nói với tôi. Lại nữa rồi. Người Anh thắng Ý, tất nhiên đó là mong muốn của mọi cổ động viên xứ sương mù. Nhưng trên tất cả, điều mà người Anh thích thú nhất vẫn là một chiến thắng trước Đức. Nếu chiến thắng đó xảy đến trong trận chung kết thì càng tuyệt vời. “Rất tiếc năm nay chúng tôi lại gặp người Đức trước trận chung kết”, Hunters nói. Đây không phải lần đầu tiên tôi nghe một người Anh nói điều đó. Ít nhất là từ năm 2006, tôi đã nghe nhiều cổ động viên xứ sương mù nói vậy. Họ muốn chiến thắng trận chung kết, và sẽ là tuyệt vời nhất, nếu kẻ chiến bại trong trận đấu đó là người Đức.

Hồi năm 2010, trước trận đấu trên sân Free State ở Bloemfontein trong khuôn khổ World Cup 2010, tôi cũng gặp những người Anh thể hiện khát vọng chiến thắng tột cùng, trước người Đức. Họ mang đến sân những mô hình máy bay thời Thế chiến 2, họ hát những bài ca bắn rơi máy bay Đức, họ ngân lên bản Hai thế chiến và một chiếc cúp (Two World Wars and One World Cup, ý nói Anh đã thắng Đức trong hai cuộc chiến tranh thế giới và một trận chung kết World Cup), và rồi họ đã thua đậm trong trận đấu ấy. Giờ đây, mối hận của họ chẳng chịu nguôi ngoai sau khi Chelsea đã thắng Bayern Munich trong trận chung kết Champions League vừa rồi. Trái lại, chiến thắng ở cấp câu lạc bộ càng tiếp thêm niềm tin cho những người Anh kiêu hãnh nhưng thiếu thành đạt rằng, hạ gục người Đức là điều có thể.

Nhưng trước khi thắng Đức, họ cần phải vượt qua người Ý, vào đêm nay trên sân Olympic. “Có thể thắng người Ý không?”, tôi hỏi. Hunters trả lời, chắc nịch: “Thắng chứ”. “Balotelli thì sao? Anh ta biết rất rõ bóng đá Anh đấy”, tôi hù dọa. “Bình thường thôi. Đội bóng của anh ta xoàng thôi”, Hunters đáp, rất tự tin.

Tất nhiên, diễn biến hơn 90 phút trên sân Olympic ở Kiev thì khó hơn và dài hơn nhiều so với câu khẳng định Hunters, chàng cổ động viên đến từ vùng Hampshire.

Đỗ Hùng
(từ Kiev, Ukraine)

>> CLB Manchester United "vô địch" về cổ động viên trên toàn thế giới
>> Công an lấy lời khai của 16 cổ động viên Hải Phòng
>> Cổ động viên Bari ép đội bóng bán độ
>> Sắc màu cổ động viên trận chung kết Europa League
>> Cổ động viên quá khích người Ý bị bắt
>> Terry được cổ động viên tha thứ

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.