“Derby” vùng… Đông Á
Giới truyền thông Đông Nam Á ví von cuộc chiến giữa Thái Lan và Việt Nam (VN) là long hổ tranh quyền. Và cuộc chiến giữa hai HLV Nhật Bản và Hàn Quốc được đánh giá như “derby” vùng…Đông Á. Suốt 2 thập kỷ qua, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là những cường quốc bóng đá trong châu lục và luôn so kè nhau để xem ai là số 1 châu Á. Vô hình trung, kết quả trận đấu giữa Thái Lan và VN không chỉ là sự khẳng định vị thế trong khu vực của hai đối thủ nhiều duyên nợ này mà còn là sự “sĩ diện”, niềm kiêu hãnh của hoặc HLV đến từ Nhật Bản hoặc HLV đến từ Hàn Quốc (nếu một trong hai đội thắng).
|
|
HLV Nishino có thể bất lợi hơn so với ông Park vì mới chỉ cầm quân Thái Lan non chục ngày trước khi bước vào trận “đại chiến”. Nhưng nếu như so về thương hiệu, tất nhiên một HLV đã giúp Nhật Bản vào đến vòng 16 đội mạnh nhất Wolrd Cup 2018, thậm chí còn khiến đệ tam anh hào – đội Bỉ - thắng trong thế “vã mồ hôi” cũng đủ để cho thấy năng lực cầm quân nổi trội đến từ Nishino. Việc khiến Thái Lan phải chấp nhận nhượng bộ, trả mức lương tới 1 triệu USD/năm đủ thấy “uy lực” ông Nishino lớn cỡ nào!
Thế cờ ai hay hơn?
Hai năm qua, ông Park đã có tới 3 chiến thắng trước 3 HLV của Thái Lan, từ cấp độ U.23 cho đến đội tuyển. Nhưng đối thủ thứ 4 mà ông giáp mặt hẳn nhiên tiếng tăm và thao lược hơn nhiều. Ông Park nghiên cứu kỹ về ông Nishino và nhận xét: “Ông ta quen sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 với thói quen dùng số đông hàng tiền vệ để đè đối phương”. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, đây là lối chơi biến ảo, chú trong đến việc pressing tầm cao, gây áp lực trực tiếp lên phần sân đối thủ và sẵn sàng lấy bóng lại trong khoảng thời gian ngắn nhất để có thể một lần nữa tổ chức tấn công lên cầu môn đối phương.
Chưa rõ với chỉ non chục ngày dẫn dắt đội tuyển Thái Lan, HLV Nishino có thể giúp các học trò thấu hiểu triết lý bóng đá của mình hay không. Nhưng với một số những cầu thủ đang có trong tay, đặc biệt là bộ ba đang chơi bóng ở J-League, ông Nishino có lý do để tin vào khả năng xây dựng đội hình, đặc biệt là tuyến giữa của mình.
|
|
HLV Đoàn Minh Xương bình luận, trong cách chơi của Nishino, một trong hai tiền vệ trụ được linh hoạt kéo xuống chơi trung vệ để tạo thêm sức mạnh ở hai cánh. Tuyến giữa của Thái Lan sẽ có thời điểm lên đến 6 tiền vệ. Với “bộ não” mang tên Chanathip Songkrasin, khả năng cầm bóng, luân chuyển, phối hợp tam giác để kiểm soát thế trận ở giữa sân của Thái Lan là rất đáng chú ý.
Trước một thế trận mà Thái Lan sẵn sàng giăng “mạng nhện” ở giữa sân, việc sử dụng hai tiền vệ trung tâm như HLV Park Hang-seo vẫn hay dung, hẳn nhiên yếu thế hơn, ít nhất về mặt số lượng. Do đó có thể ông Park sẽ có những nước cờ mạo hiểm, như Quang Hải được phép…linh hoạt di chuyển vào trung lộ để hỗ trợ cho những tiền vệ có khả năng cầm bóng và đi bóng như Xuân Trường, Hùng Dũng hay Huy Hùng. Vị trí trung vệ của Quế Ngọc Hải cũng cần được đẩy lên khi cần thiết để tạo nên một số lượng đủ lớn ở tuyến giữa ngăn cản các lớp pressing tầm cao bên phía đối thủ.
Trước đối thủ có ý định đẩy cao đội hình nhằm tạo ra sức ép lên phần sân nhà, những đường chuyền vượt tuyến từ Ngọc Hải hay Xuân Trường cho các cầu thủ có tốc độ nơi hàng công như Văn Toàn, Công Phượng, hẳn nhiên sẽ là cách để VN đẩy lui thế công của Thái Lan. Thậm chí có thể sẽ biến thành một pha phản đòn đáng giá. Làm khách trên đất Thái, ông Park sẽ tính toán lối đá phòng ngự phản công và yêu cầu các học trò cố gắng kiểm soát được sự hung phấn của đối thủ, trước khi tung ra những đòn “kết liễu” chí mạng, giống như cách mà VN đã đánh bại Thái Lan ở các lần đối đầu gần đây. Theo ông Đoàn Minh Xương, VN có lợi thế về tâm lý hơn Thái Lan nên việc kiếm một trận thắng hay hòa không phải nhiệm vụ bất khả thi.
Bình luận (0)