|
Căn bệnh dịch sắp tới trên toàn cầu không phải là Ebola mà chính là “text neck”, tạm dịch là “cổ nhắn tin”, có thể làm biến đổi hoàn toàn sự phát triển của cơ thể. Đó là lời cảnh báo của bác sĩ Dean Fishman thuộc Bệnh viện The Plantation ở Florida, chuyên gia vật lý trị liệu đầu tiên đã nghĩ ra cụm từ “cổ nhắn tin”, theo Đài FoxNews.com. Bác sĩ Fishman cho hay hiện tượng này có thể được quan sát rõ ràng nhất khi nhìn vào hình ảnh chụp X-quang, với một vài đốt sống đầu tiên ở phần cổ bị cong về phía trước. Đây là hiện tượng bất thường, và tình trạng đau cổ, đầu, cánh tay, vai cũng như viêm khớp đều là hiệu ứng phụ của chứng cổ cong do dùng thiết bị.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, có khoảng 1.910 tỉ tin nhắn được trao đổi hồi năm ngoái, theo thống kê của CTIA - Tổ chức mạng không dây. Một cuộc nghiên cứu do hãng Pew Research triển khai đã cho kết quả ấn tượng: gần 8 trong 10 người Mỹ sử dụng tin nhắn bằng điện thoại trong đời sống hằng ngày. Hãng nghiên cứu công nghệ IDC cũng công bố báo cáo cho thấy 79% số người từ 18 đến 44 tuổi mang theo điện thoại thông minh suốt 22 giờ/ngày. “Bất cứ điều gì ép bạn vào thế đó, dù đọc, gõ hay nhắn tin, đều ảnh hưởng đến phần cổ của bạn. Theo thời gian, hệ thống dây chằng yếu đi, dẫn đến lệch đĩa đệm, chèn ép dây thần kinh, khiến tê dọc theo tay”, FoxNews.com dẫn lời bác sĩ vật lý trị liệu Brian Kirby ở Sparkville, bang Mississippi.
Giới chuyên gia y tế hiện nay đang chung một nhận định: công nghệ ngày càng trở nên là một phần của đời sống. Thực tế cho thấy chẳng mấy ai thực hiện theo những lời kêu gọi mọi người nên nghỉ giải lao giữa giờ trong lúc sử dụng thiết bị để tránh gây hại cho cơ thể. “Đến thời điểm này, thiết bị di động đang trở thành một phần nối dài trực tiếp từ cơ thể của chúng ta”, theo chuyên gia Fishman. Vấn đề sức khỏe không chỉ dừng ở hoạt động nhắn tin, mà còn ở chuyện chơi game. Có đến 52% số trẻ tại Mỹ tuổi từ 0 đến 8 mỗi ngày bỏ ra đến 43 phút để chơi game trên điện thoại/máy tính bảng. Điều này có nghĩa là hằng tuần lại có thể khoảng 5 giờ gây áp lực lên phần phía sau của đầu và cổ.
Dù thiết bị công nghệ là một phần không tách rời của cuộc sống con người hiện đại, nếu không thay đổi, sức khỏe của mọi người sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, bác sĩ Fishman tìm cách hướng dẫn mọi người cách cầm điện thoại thông minh/máy tính bảng một cách đúng đắn. Ông đã đưa ra ý tưởng cung cấp ứng dụng gọi là Text Neck Indicator, có chức năng cảnh báo tức thời khi người dùng cầm sai tư thế. “Công nghệ này sẽ hiện đèn xanh khi người dùng cầm điện thoại ở góc nhìn hợp lý. Nếu màn hình rơi khỏi tầm nhìn chính xác, điện thoại sẽ bật đèn đỏ”, theo chuyên gia Fisherman. Hiện ứng dụng trên đã có mặt trên các thiết bị Android và đang tiến đến cung cấp cho toàn bộ các nền tảng hệ điều hành.
Phi Yến
>> 4 mẫu smartphone có dung lượng pin 'khủng
>> Thời của smartphone: Rất hay, hữu ích cho người đọc
>> Người Việt 'sống' với smartphone
Bình luận (0)