Đại gia chiếm đoạt tiền mua gỗ ?

24/07/2015 10:38 GMT+7

Vụ việc đã kéo dài nhiều năm, chủ nợ hết cầu cứu công an đến tòa án vẫn chưa thể đòi lại gần nửa triệu USD đã trả tiền mua gỗ nhiều lần trước đó. Điều đáng nói là vụ việc đã đưa ra tòa, nhưng gần 2 năm trôi qua, TAND TP.Đông Hà vẫn chưa xét xử...

Vụ việc đã kéo dài nhiều năm, chủ nợ hết cầu cứu công an đến tòa án vẫn chưa thể đòi lại gần nửa triệu USD đã trả tiền mua gỗ nhiều lần trước đó. Điều đáng nói là vụ việc đã đưa ra tòa, nhưng gần 2 năm trôi qua, TAND TP.Đông Hà vẫn chưa xét xử...

Đại gia chiếm đoạt tiền mua gỗ ?
Một trong số giấy tờ xác nhận ông Dục nợ tiền ông Thanh và cam kết trả tiền - Ảnh: Thanh Lộc
Chủ nợ bất đắc dĩ
Theo trình bày của ông Phạm Thanh (trú P.Vĩnh Trung, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) hơn 20 năm trước ông quen biết, làm ăn với ông Hoàng Đức Dục (trú đường Lê Thế Hiếu, KP.4, P.1, TP.Đông Hà, Quảng Trị; thời điểm đó ông Dục đang là Phó giám đốc một công ty thương mại nhà nước lớn của tỉnh Quảng Trị). Đến năm 2007, ông Dục thoả thuận với ông Phạm Thanh về việc đưa gỗ có nguồn gốc từ Lào về VN bán cho ông Thanh. Theo đó, ông Thanh đã trả tiền trước cho ông Dục 3 đợt với tổng cộng 475.000 USD.
Sau khi nhận được tiền, ông Dục không thực hiện như đã thoả thuận và dùng số tiền này đầu tư khai thác vàng tại Lào, nên việc mua bán gỗ không thành và hai bên thống nhất chuyển số tiền 475.000 USD thành tiền ông Dục vay ông Thanh và phải trả lãi 3% một tháng tính từ ngày 22.8.2007.
Cũng theo ông Thanh, ông Dục đã không thực hiện đúng cam kết khi không hề đưa về bán cho ông Thanh một lô gỗ có giá trị nào. Sợ mất tiền, thời gian sau đó, ông Thanh đòi nợ rất “rát” nhưng cứ mỗi lần như vậy, ông Dục lại năn nỉ rồi trả một khoản tiền nhỏ rồi tiếp tục viết giấy cam kết sẽ trả nợ. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 đến nay, ông Dục không trả thêm đồng nào nữa.
“Tôi thấy mình như bị lừa đảo vì ban đầu tôi chỉ muốn trả tiền trước để ông Dục bán gỗ cho mình nhưng cuối cùng ông Dục biến tôi thành... chủ nợ. Việc quan trong nhất là trả tiền cho tôi thì ông ấy không làm. Và nếu tính lãi đàng hoàng từ đó đến nay, ông Dục nợ tôi lên tới cả triệu USD”, ông Thanh bức xúc nói.
Mỏi mòn cầu cứu cơ quan chức năng
Bất lực vì ông Dục cứ dây dưa hết năm này sang năm khác mà không trả nợ, khoảng đầu năm 2013, ông Thanh mới tố cáo vụ việc lên Công an tỉnh Quảng Trị.
Tại các biên bản đối chất do cơ quan công an lập (có mặt ông Thanh và ông Dục), ông Dục chỉ thừa nhận việc mình vay của ông Thanh 450.000 USD (chứ không phải 475.000 USD, dù giấy nợ ông Dục xác nhận số tiền này) và chưa trả hết. Giải thích về việc tại sao không mua gỗ bán cho ông Thanh như thỏa thuận, ông Dục nói sau khi nhận tiền đã đầu tư mua gỗ tại Savanakhet và Xaynhobuly (Lào) nhưng không mua được và cũng không thu hồi được vốn do gặp rủi ro trong làm ăn.
Cũng tại trong các văn bản đối chất ông Thanh và Dục đều thừa nhận theo giấy tờ thì khoản nợ cả gốc và lãi mà ông Dục đang còn nợ ông Thanh là 383.671 USD (một số đã trả dần trước đó), các giấy tờ xác nhận số tiền vay đều có xác nhận của ông Dục.
Sau khi nghiên cứu vụ việc và nhiều lần triệu tập hai bên để lập biên bản đối chất, lấy lời khai, phía cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Quảng Trị) cho rằng đây là vụ việc có tính chất tranh chấp dân sự nên hướng dẫn hai ông nên đến tòa án để giải quyết.
Ngày 17.12.2013, ông Thanh nộp đơn khởi kiện ông Dục tại TAND TP.Đông Hà. Tuy nhiên, sau nhiều lần ông Thanh vào ra, vụ án vẫn chưa đi tới đâu.
Ngày 17.12.2013 ông Phạm Thanh nộp đơn khởi kiện ông Hoàng Đức Dục để đòi nợ tại TAND TP.Đông Hà, sau khi ông Phạm Thanh nộp tiền tạm ứng án phí, ngày 15.1.2014 TAND TP.Đông Hà thụ lý vụ án số 02/2014/TLST-DS. Từ đó đến nay nguyên đơn, đại diện cho nguyên đơn, và bị đơn, đại diện cho bị đơn đã được Toà triệu tập để tiến hành hoà giải 4 lần, đối chất 1 lần và tiến hành xét xử và tạm hoãn phiên toà 2 lần chưa kể có lần nguyên đơn được triệu tập từ Đà Nẵng ra Đông Hà nhưng phải về vì khi thì thẩm phán bận, khi thì các đương sự khác vắng mặt.
Luật sư Trịnh Anh Hùng cho rằng theo quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự thì khi giải quyết vụ án cần phải triệu tập đương sự để tiến hành hoà giải và không hạn chế số lần hoà giải nhưng nó phải được thực hiện trong thời hạn tố tụng (tối đa 6 tháng). Đến nay đã một năm rưỡi trôi qua mà Toà TAND TP.Đông Hà vẫn chưa xét xử là vi phạm tố tụng.  
Liên quan đến ý kiến cho rằng TAND TP.Đông Hà (Quảng Trị) đã vi phạm tố tụng bởi để vụ án kéo dài quá lâu, ngày 20.7, PV Thanh Niên đã trao đổi với bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó chánh án TAND TP.Đông Hà. Bà Mai thừa nhận vụ án dân sự liên quan đến ông Phạm Thanh và ông Hoàng Đức Dục có kéo dài nhưng cho rằng tòa án đều làm đúng pháp luật bởi tất cả các lần gia hạn, tạm đình chỉ, hoãn phiên tòa đều có căn cứ; đặc biệt là khi phía bị đơn có nộp chứng cứ mới, cần mời thêm người tham gia tố tụng và phát sinh một số vấn đề phải đợi trả lời. Cũng theo bà Mai, luật pháp quy định hoãn phiên tòa không được quá 30 ngày nhưng nhiều khi vì điều kiện cũng phải hoãn tiếp (trường hợp nêu trong bài phiên tòa được diễn ra ngày 5.5 và hoãn, đến nay đã hơn 70 ngày).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.