Đại gia Nguyễn Văn Hảo, huyền thoại bị quên lãng: Mở cửa tòa nhà 4 mặt tiền trung tâm Sài Gòn

22/06/2015 05:38 GMT+7

Ngay trung tâm Sài Gòn (Q.1, TP.HCM) có một tòa nhà kiến trúc Pháp tuyệt đẹp tọa lạc ở bốn mặt tiền đường (Trần Hưng Đạo - Ký Con - Yersin - Lê Thị Hồng Gấm).

Ngay trung tâm Sài Gòn (Q.1, TP.HCM) có một tòa nhà kiến trúc Pháp tuyệt đẹp tọa lạc ở bốn mặt tiền đường (Trần Hưng Đạo - Ký Con - Yersin - Lê Thị Hồng Gấm).

Phía trước và hai bên hông tòa nhà có dòng chữ NG.V.HAO - Ảnh: Độc Lập
Phía trước và hai bên hông tòa nhà có dòng chữ NG.V.HAO - Ảnh: Độc Lập
Chắc hẳn, ít người biết đó từng là nhà của một thương gia nổi tiếng cả miền Nam: Nguyễn Văn Hảo - một trong những thương gia giàu có nhất ở Sài Gòn từ thời Pháp đến năm 1975.
Trên mặt tiền ngôi nhà (phía đường Trần Hưng Đạo và hai bên hông Ký Con - Yersin) có khắc dòng chữ NG.V.HAO nên những người sống xung quanh thường gọi đó là tòa nhà Nguyễn Văn Hảo. Gọi là thế nhưng lớp người hiện nay ít biết lai lịch của người chủ tòa nhà có vị trí đắc địa “có một không hai” ở Sài Gòn này.
Khi có ý định tìm hiểu nhân vật Nguyễn Văn Hảo, chúng tôi đã cố gắng tìm tư liệu nhưng hầu như vô vọng. Lên mạng đánh chữ “Nguyễn Văn Hảo” thì kết quả hiện ra và được tìm kiếm nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Hảo, người từng là Phó thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa.
Thật may mắn trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi được biết ông Nguyễn Văn Hảo chính là ông chủ của rạp Nguyễn Văn Hảo lẫy lừng một thời, được ví là nhà hát “hàng không mẫu hạm” có sức chứa tới hàng ngàn người và là thánh đường của cải lương.
Sau 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo được đổi tên là rạp Công Nhân, nằm khiêm tốn ở số 30 Trần Hưng Đạo, Q.1. Trước rạp Công Nhân vẫn còn người cháu rể (cũng gần 80 tuổi, gọi ông Hảo bằng dượng) bán cà phê cóc. Tuy nhiên, người cháu rể cũng không biết nhiều thông tin mà chỉ biết bác mình là người rất giàu có và nổi tiếng trước năm 1975.
Người cháu rể đã nhiệt tình chỉ cho chúng tôi cách “mở” cánh cửa sắt màu xanh ở phía đường Ký Con suốt ngày im ỉm đóng ở ngôi nhà Nguyễn Văn Hảo. Từ đó thân thế, lai lịch và sự nghiệp của nhân vật bí ẩn này dần dần được hé mở.
Tuổi thơ ở ruộng đồng
Ông Nguyễn Văn Hảo sinh năm 1890, quê ở ấp Long Thuận, xã Nhị Long, H.Càng Long (Trà Vinh). Nhìn vào gia sản đồ sộ mà ông Hảo từng sở hữu, nhiều người sẽ có suy nghĩ ông phất lên một phần do thừa hưởng gia sản của ông cha để lại. Tuy nhiên, ông Hảo xuất thân trong một gia đình trước đó mấy đời đều làm nông. Cha của ông có ba người vợ. Ông Hảo là con thứ ba của người vợ thứ ba.
Những năm tháng tuổi thơ, theo những người trong gia đình kể lại, cậu bé Hảo chỉ quanh quẩn ở quê. Chưa bao giờ cậu bé Hảo lại nghĩ có một ngày mình sẽ lên Sài Gòn lập nghiệp.
Một người anh cùng cha khác mẹ của ông Hảo là ông Nguyễn Văn Kiệu, làm chủ một cửa tiệm buôn bán phụ tùng ô tô ở đường Nguyễn An Ninh (Q.1). Công việc làm ăn phát đạt, ông Kiệu cần tuyển thêm người làm phụ giúp. Quay qua ngó lại anh em trong gia đình, ông Kiệu thấy ông Hảo là người thông minh, lại lanh lợi, phù hợp cho việc kinh doanh. Thế là thay vì để em làm ruộng ở quê, ông Kiệu xin phép cha đưa em trai lên Sài Gòn phụ mình buôn bán phụ tùng xe hơi.
Thuê cửa tiệm Chú Hỏa khởi nghiệp
Lên Sài Gòn, công việc đầu tiên mà ông Hảo làm là phụ anh trai mình buôn bán phụ tùng. Vốn là người thông minh, ở quê được cha cho ăn học dù không nhiều, ông Hảo đã học những bài học cơ bản từ người thợ đi trước. Cứ ai giỏi là ông Hảo đeo theo để học. Chẳng mấy chốc từ người thợ học nghề, ông Hảo thành người thợ chính tại tiệm buôn bán phụ tùng xe của anh mình.
Ngoài việc rành kỹ thuật để sau này mở tiệm không để thợ qua mặt, những ngày làm công ở tiệm anh trai, ông Hảo đã âm thầm học cách kinh doanh, mối lái buôn bán phụ tùng xe hơi với tham vọng mở một cửa hàng riêng cho mình sau này. Sau khi đã ổn định công việc, ông Hảo đưa vợ mình lên Sài Gòn. Năm 1929, vợ ông sinh người con trai đầu đặt tên Nguyễn Tâm Thạnh. Thời gian này, sau khi tích lũy một số vốn liếng, ông Hảo xin phép ông Kiệu cho phép mình ra lập nghiệp riêng. Được anh trai đồng ý, ông Hảo mở tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở số 21 - 23 đường Galliéni, sau này đổi thành đường Trần Hưng Đạo (Q.1).
Cửa tiệm trên được ông Hảo thuê lại của gia đình Chú Hỏa (1845 - 1901), một trong những người giàu có nhất Sài Gòn. Song song với buôn bán phụ tùng xe hơi, trước cửa hiệu, ông Hảo mở một cây xăng bơm tay để kinh doanh thêm xăng, dầu nhớt. Không biết đó có phải là cây xăng tư nhân mở đầu tiên ở Sài Gòn hay không nhưng với độ nhanh nhạy, số lượng cây xăng ở Sài Gòn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên đa phần khách mang xe đến sửa chữa, thay thế phụ tùng, khi quay ra chỉ biết đổ ở cây xăng ông Hảo.
Sau đây là một số hình ảnh về ngôi nhà cổ:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.