Đại gia ô tô Mỹ chi đậm để được giải cứu

13/12/2008 00:35 GMT+7

Trong khi Quốc hội Mỹ xem xét chi khoảng 15 tỉ USD nhằm cứu ngành công nghiệp ô tô thì đài CBS phát hiện 3 đại gia General Motor (GM), Ford, Chrysler đã chi đậm cho các quan chức nhằm vận động xin trợ cấp. >>Mỹ giải cứu ngành công nghiệp ô tô \ Chính phủ Mỹ giải cứu AIG

Ngày 3.12 vừa qua, theo công bố của hãng truyền hình CBS, ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã chi khoảng 50 triệu USD cho việc vận động hành lang Quốc hội trong vòng 9 tháng qua. Ngoài ra, còn phải kể thêm một khoản 15 triệu USD đã được chi cho các cuộc vận động bầu cử của các nghị sĩ Mỹ, tập trung chủ yếu ở bang Michigan.

Điều này đã khiến người ta liên tưởng đến động cơ khiến chính phủ Mỹ tìm cách để cứu vãn ngành công nghiệp ô tô. Theo lời cầu cứu của các đại gia GM, Ford và Chrysler, nếu không có khoản bảo lãnh khẩn cấp 34 tỉ USD thì họ sẽ sụp đổ. Hiện tại, mỗi công ty này đang lỗ hàng tỉ USD mỗi tháng và không có khả năng huy động thêm vốn.

Do đó, người ta tỏ ra bất đồng khi các đại gia ô tô Mỹ mặc dù đang trong tình trạng “sống dở chết dở” nhưng vẫn mạnh tay chi cho các cuộc vận động hành lang để tìm kiếm lợi ích cho riêng họ. Phóng viên Susan Tompor của tờ Detroit Free Press đã nói rằng: “Tôi chưa bao giờ biết được lại có một thế giới bẩn thỉu như vậy ở Detroit”.

Tháng 11.2008, trước bức xúc của dư luận, hãng GM đã tuyên bố rằng khoản tiền 1,3 triệu USD của các đại gia ô tô được cho là dùng để chi cho các cuộc tranh cử năm 2008 chẳng thấm tháp vào đâu so với các ngành công nghiệp khác. “Ngành công nghiệp ô tô sử dụng nhiều nhân công, những người này tham gia bầu cử...

Do vậy, sẽ có những rủi ro nếu các công ty này sụp đổ và các chính trị gia phải được cảnh báo về điều này”. Đó là lời giãi bày của người phát ngôn GM Massie Ritsch. Tại thời điểm đó, theo số liệu công khai thì GM chỉ mới chi khoảng 10 triệu, Ford khoảng 6 triệu và Chrysler gần 5 triệu USD cho các hoạt động vận động hành lang. Một số thượng nghị sĩ Mỹ cũng được cho rằng đã nhận tiền tài trợ từ các công ty này, nhưng với con số chỉ vài chục nghìn USD, thấp hơn rất nhiều so với con số mà CBS đưa ra.

Theo kết quả điều tra của CBS, trong số những người đã nhận tiền của các đại gia ô tô Mỹ, có một số nghị sĩ tên tuổi. Đó là thượng nghị sĩ Carl Levin, được cho là đã nhận 438.304 USD, hạ nghị sĩ Joe Knollenberg nhận 879.327 USD, hạ nghị sĩ John Dingell đã nhận gần 1 triệu USD. Những người này đã dùng các khoản tiền trên cho “hoạt động sự nghiệp” và tỏ thái độ ủng hộ khoản bảo lãnh khẩn cấp cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ.

Trong số này, ông John Dingell được coi là người có quan hệ mật thiết với ngành công nghiệp ô tô hơn cả. “Sức khỏe tài chính, sự thịnh vượng của gia đình ông ta đều trói chặt với ngành công nghiệp ô tô”, theo lời của R.Alexander, thuộc tổ chức Taxpayer for Common Sense. Điều này không phải không có lý, bà Debbie - vợ ông Dingell, từng là chuyên viên vận động hành lang cho hãng GM.

Sau khi kết hôn với Dingell, bà Debbie đã nhanh chóng vươn lên vị trí quản lý điều hành cấp cao của GM với một mức lương không được tiết lộ. Năm 2000, trong số tài sản của gia đình Dingell tại GM có quyền chọn mua và bán số cổ phần lên tới 5 triệu USD. Còn tính tại thời điểm tháng 5.2008, gia đình Dingell sở hữu số cổ phần tại GM vào khoảng 350.000 USD, quyền chọn mua và bán lên tới 1 triệu USD.

Đến thời điểm hiện nay, mặc dù đã phải chi khá nhiều tiền của cho các hoạt động vận động hành lang nhưng ngành công nghiệp ô tô Mỹ vẫn chưa thể nhận được gói cứu trợ khẩn cấp. Theo hãng tin AP, vào đêm 11.12, kế hoạch giải cứu ngành công nghiệp ô tô trị giá 14 tỉ USD đã bị Thượng viện Mỹ bác bỏ, sau khi được Hạ viện thông qua.

Các thượng nghị sĩ đã bác dự luật này do không có được đảm bảo từ Liên đoàn Công nhân ô tô về việc cắt giảm lương của những người làm trong ngành công nghiệp này. Sự kiện trên đẩy ba tập đoàn ô tô sừng sỏ là GM, Ford và Chrysler vào tình thế hết sức nguy nan, thậm chí có thể bị phá sản.

Và cũng chính những tiêu cực nảy sinh như đã nói ở trên mà Tổng thống đắc cử Barack Obama đang nghiên cứu, xem xét ban hành các quy tắc đạo đức chặt chẽ về hoạt động vận động hành lang.

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.