Những sai phạm này kéo dài nhiều năm, ở nhiều địa phương, khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Có hay không việc “bảo kê” cho doanh nghiệp này sai phạm?
Ồ ạt vượt tầng
Cuối năm 2016, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố nhiều sai phạm tại dự án tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại nhà ở cao cấp VP6 ở P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai (Hà Nội) của Tập đoàn Mường Thanh. Cụ thể, theo quy hoạch được duyệt, tòa nhà cao 25 tầng, thêm 2 tầng kỹ thuật và 3 tầng hầm, nhưng chủ đầu tư đã xây thành 35 tầng và 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng hầm; diện tích hầm cũng bị giảm từ gần 5.200 m2 xuống còn 2.600 m2. Do cả số tầng và diện tích hầm đều bị cắt giảm nên tòa nhà thiếu chỗ để xe trầm trọng, cư dân phải để tràn ra diện tích sân chơi ngoài trời...
Tương tự, tòa chung cư VP5 ở khu đô thị bán đảo hồ Linh Đàm thuộc P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai (Hà Nội) được cấp phép cao nhất 29 tầng nhưng chủ đầu tư xây đến 32 tầng. Dự án chung cư Kim Văn - Kim Lũ thuộc P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai có 4 tòa nhà được cấp phép 36 tầng, nhưng chủ đầu tư xây vượt lên 40 tầng. Các tầng xây vượt đều chia thành căn hộ bán và hiện người dân đã dọn về sinh sống.
Còn tại dự án khu đô thị Đại Thanh, theo cơ quan điều tra, các sai phạm gồm xây dựng không phép, vượt quá chiều cao quy định. Cụ thể, 6 tòa chung cư được phê duyệt xây dựng 29 tầng, nhưng chủ đầu tư xây vượt thành 32 tầng. Các tầng xây vượt đều được chia thành căn hộ để bán. Còn khu biệt thự, nhà liền kề đều xây lên 4 hoặc 5 tầng, vượt 1 đến 2 tầng so với quy hoạch được duyệt...
Chưa thu hồi đất đã thi công
Tại Nghệ An, Mường Thanh đã đầu tư 11 dự án, nhưng cũng có đến 6 dự án bị phát hiện xây dựng khi chưa được cấp giấy phép xây dựng (GPXD).
Tháng 9.2014, Thanh Niên phản ánh việc khách sạn Mường Thanh Cửa Lò xây dựng đến tầng 25 mà vẫn chưa có giấy phép. Dự án này khởi công tháng 8.2013 trên trục đường Bình Minh nằm ven bãi biển TX.Cửa Lò (Nghệ An). 9 tháng sau, khi khách sạn đã xây lên nhiều tầng, Sở Xây dựng Nghệ An kiểm tra thì chủ đầu tư dự án vẫn chưa hoàn thành các thủ tục thu hồi đất; chưa có quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật theo quy định; chưa xin GPXD... UBND TX.Cửa Lò ra quyết định xử phạt chủ dự án 50 triệu đồng vì xây dựng công trình không phép. Thanh tra đô thị và UBND P.Nghi Thu (TX.Cửa Lò) đã lập biên bản, yêu cầu dừng thi công nhưng dự án vẫn cứ tiếp tục xây cho đến khi hoàn thành.
Năm 2016, các công trình tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Cửa Đông tại P.Hưng Dũng (TP.Vinh) quy mô 27 tầng; tổ hợp khách sạn Mường Thanh Hoàng Mai (TX.Hoàng Mai); tổ hợp khách sạn quy mô 4 sao, cao 12 tầng và trung tâm thương mại tại TT.Con Cuông (H.Con Cuông); trung tâm giải trí VRC tại TP.Vinh của Mường Thanh, đều đồng loạt khởi công xây dựng mà chưa hoàn tất các thủ tục xin cấp GPXD. Các dự án này đều bị xử lý hành chính và yêu cầu dừng thi công cho đến khi được cấp phép, nhưng công trình vẫn tiếp tục thi công sau đó mới hoàn thành việc xin giấy phép.
Năm 2010, Mường Thanh cũng khởi công xây dựng khách sạn Mường Thanh cao 33 tầng, quy mô 5 sao tại TP.Vinh (Nghệ An). Tuy nhiên, công trình này sau đó bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện xây dựng khi chưa được cấp phép và bị xử lý hành chính, yêu cầu dừng thi công để hoàn thiện hồ sơ.
|
Tàn phá danh thắng quốc gia
Tập đoàn Mường Thanh “khởi nghiệp” tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) bằng khách sạn Mường Thanh Grand Nha Trang tại số 6 Dương Hiến Quyền, P.Vĩnh Hòa, với hàng loạt sai phạm. Tháng 6.2013, chủ dự án này thuê hàng trăm xe tải, chở 600.000 m3 cát từ Cam Ranh về đổ xuống bãi biển Hòn Một, cạnh khách sạn này để làm “bãi cát nhân tạo” (!), bất chấp đây là vịnh biển được công nhận danh thắng cấp quốc gia, không được can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào.
Sau đó, Mường Thanh còn triển khai một dự án được xem là “khủng” nhất Nha Trang thời điểm 2014, tại số 60 Trần Phú, mang tên Mường Thanh Luxury. Cao ốc 46 tầng này cũng vượt 4 tầng so với giấy phép nhưng được “phạt cho tồn tại” (!).
Một dự án khác, nằm sát cầu Trần Phú phía bờ nam, là tổ hợp khách sạn Mường Thanh Khánh Hòa. Dự án được Sở Xây dựng Khánh Hòa cấp phép xây 47 tầng. Đến cuối năm 2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Khánh Hòa và chủ dự án phải chấp hành nghiêm quy hoạch TP.Nha Trang đến năm 2025 mà Thủ tướng đã phê duyệt, tức tại Nha Trang không được xây quá 40 tầng. Dù vậy, dự án vẫn tiếp tục mọc lên đến... 43 tầng, vượt 3 tầng so với quy định.
Sau khi dư luận phản ảnh Mường Thanh “phớt lờ” ý kiến của Phó thủ tướng, tỉnh Khánh Hòa bèn lập đoàn kiểm tra liên ngành. Cuối cùng thì Sở Xây dựng - đơn vị trước đó đã cấp phép xây 47 tầng, phải ra quyết định đình chỉ thi công, buộc Mường Thanh làm lại thiết kế và hoàn thiện từ tầng 40 trở xuống để giao cho khách hàng, còn 3 tầng vượt vẫn để đó từ tháng 8.2016 đến nay.
Mới đây, một lần nữa Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Xây dựng buộc chủ dự án này phải “cắt ngọn”, làm rõ những cán bộ nào của Sở Xây dựng cố tình dây dưa. Cử tri và các đại biểu dự phiên họp HĐND tỉnh Khánh Hòa chiều 7.7 hy vọng ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, người ký giấp phép cho Mường Thanh xây 47 tầng, sẽ trả lời vì sao cao ốc này vẫn chưa xử lý 3 tầng vượt như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng đến phút cuối, ông Dẽ cáo… viêm họng (!).
Cần làm rõ có hay không sự chống lưng ?
Xung quanh sự lộng hành của Mường Thanh, TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng một chủ đầu tư liên tục sai phạm, xây dựng vượt tầng, phá vỡ quy hoạch khắp nơi như vậy là điều rất bất thường. “Cần phải làm rõ sự bất thường này có đúng do quan chức chống lưng hay là doanh nghiệp sân sau của ai đó để xử lý nghiêm. Không dừng lại ở việc chỉ khởi tố, xử lý doanh nghiệp mà sâu xa hơn, cơ quan chức năng phải làm rõ được trách nhiệm của cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo chính quyền địa phương nơi có công trình sai phạm của Mường Thanh. Cũng cần làm rõ doanh nghiệp này dựa vào đâu để làm bậy khắp cả nước, đến mức ở đâu có Mường Thanh là ở đấy có vi phạm trật tự xây dựng”, TS Phạm Sĩ Liêm nói.
|
- Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu được thành lập đầu những năm 90 của thế kỷ 20. Sau đó, xí nghiệp đổi thành Công ty tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu, rồi tiếp tục đổi thành Công ty tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (còn gọi là DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên), có trụ sở tại tỉnh Điện Biên, do ông Lê Thanh Thản làm giám đốc.
- Năm 1993 - 1994, ông Lê Thanh Thản xây dựng khách sạn Điện Biên Phủ tại Điện Biên. Năm 1996, tỉnh Lai Châu mua lại khách sạn và đối ứng bằng một khu đất khác. Ngay khi có lô đất mới, ông Thản đầu tư xây dựng khách sạn Mường Thanh đầu tiên, khai trương năm 1997. Đến nay, chuỗi khách sạn Mường Thanh đã phát triển đến con số 50, ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
- Ông Lê Thanh Thản cũng là chủ sở hữu của Công ty CP sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes (BEMES CORP) ra đời từ năm 1992, trụ sở hiện nay tại tầng 1, chung cư CC2 Bắc Linh Đàm, P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai, Hà Nội.
- Tháng 10.2012, Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh đăng ký kinh doanh lần đầu với vốn điều lệ 200 tỉ đồng, địa chỉ tại số 25, tổ 21, P.Him Lam, TP.Điện Biên Phủ, Điện Biên. Con gái ông Thản là bà Lê Thị Hoàng Yến (30 tuổi) giữ chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh, điều hành chuỗi khách sạn Mường Thanh.
- Tính đến giữa 2015, Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh đều thuộc sở hữu của gia đình ông Lê Thanh Thản. Trong đó, ông Thản nắm giữ 70%, bà Lê Thị Hoàng Yến nắm giữ 20%, 10% còn lại do ông Đỗ Trung Kiên (chồng bà Yến) nắm giữ. Anh Đan
|
Bình luận (0)