Nhìn một cách tổng quát, các trường ĐH u - Mỹ vẫn chiếm ưu thế rất lớn ở bảng xếp hạng. Đặc biệt, 10 vị trí đầu vẫn do các trường của Mỹ và Anh thống trị. Đây cũng là điều hợp lý vì trong 200 ĐH hàng đầu thế giới, Mỹ là quán quân với 76 trường. Anh tuy thua khá xa nhưng cũng xếp thứ 2 (31 trường). Hà Lan, đất nước chỉ 16,7 triệu dân xếp thứ 3 khi có đến 12 trường có mặt trong top 200.
|
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ sẽ thấy đằng sau những kết quả rất tốt nói trên là thực tế đáng lo ngại của các ĐH phương Tây. Cụ thể, Mỹ có đến 51 trường bị tụt hạng. Vài trường trong số này thậm chí đã “rơi tự do”, như ĐH Stony Brook từ vị trí 114 (năm 2011) đã rớt 48 bậc, đứng thứ 162 trong năm nay. Tương tự là Darthmouth College (giảm 34 bậc, hạng 124), ĐH Iowa (giảm 28 bậc, hạng 169)… Phần lớn các trường của Anh cũng đồng cảnh ngộ. Các trường ở khu vực Nam u không mấy khả quan: Tây Ban Nha mất đại diện duy nhất ở top 200, trong khi Ý, Hy Lạp chỉ có mặt trong bảng xếp hạng từ 200-400.
Thế mạnh quan hệ quốc tế
Trong khi đó, các ĐH châu Á lại có nhiều tiến bộ, mà theo đánh giá của Times Higher Education, “là sự chứng minh thế mạnh về giáo dục bậc cao và nghiên cứu của phương Tây đang chuyển dần về châu lục này”. ĐH Tokyo của Nhật xếp hạng 27, vẫn giữ vững vị trí số 1 châu Á. ĐH Quốc gia Singapore (NUS) nhảy vọt từ hạng 40 lên hạng 29, xếp thứ 2 châu lục. Nhiều trường khác cũng bứt phá đáng kể: ĐH Kỹ thuật Nannyang (Singapore), từ hạng 169 lên hạng 86, ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc) vượt 19 bậc, xếp thứ 52…
Bảng xếp hạng của Times Higher Education dựa trên các tiêu chí chất lượng giảng dạy, chất lượng nghiên cứu, số lượng công trình khoa học được trích dẫn, quan hệ quốc tế. Từ các tiêu chí đó, có thể rút ra bài học của NUS. Trường này có số điểm tương đối tốt ở tất cả các hạng mục, nhưng riêng phần quan hệ quốc tế đạt đến 92,3/100 điểm, thuộc loại hàng đầu thế giới. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp NUS có vị trí cao trong top 200. Không khó để nhận thấy trường này đã tập trung nhiều vào quảng bá hình ảnh tới các nước trong châu lục, trong đó có Việt Nam, qua việc tổ chức hội thảo giáo dục, khoa học, mở rộng hợp tác, mời các nhà khoa học có tên tuổi trên thế giới về làm việc…
Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á, đang xây dựng tầm ảnh hưởng trong nền kinh tế thế giới. Để đặt nền móng vững chắc cho tương lai, nhiều quốc gia trong châu lục này đã đầu tư rất lớn cho giáo dục, nghiên cứu. Cụ thể là Hàn Quốc dành khoảng 5% GDP cho những lĩnh vực nói trên. Nhiều ĐH ở châu Á đang khẳng định được chất lượng của mình, trong khi chi phí lại tương đối “dễ chịu” hơn nên trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các trường u - Mỹ về mặt thu hút sinh viên ngoại quốc. Tuy nhiên, trong đà tiến chung của châu lục, các nước Đông Nam Á vẫn chưa chứng tỏ được mình. Ngoài Singapore, ở khối ASEAN chỉ có ĐH Kỹ thuật King Mongkut (KMUTT) của Thái Lan có mặt trong nhóm các trường từ hạng 351-400 (Times Higher Education không xếp hạng cụ thể ở nhóm cuối của top 400).
Các ĐH hàng đầu - Tốp 5 ĐH hàng đầu thế giới: 1. Viện Kỹ thuật California (Mỹ); 2. ĐH Oxford (Anh); 3. ĐH Stanford (Mỹ); 4. ĐH Harvard (Mỹ); 5. Viện Kỹ thuật Massachusetts (Mỹ). |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Xếp hạng 400 đại học hàng đầu thế giới 2012 - 2013
>> Sinh viên VN bước vào các trường đại học hàng đầu thế giới
>> 100 trường đại học hàng đầu thế giới: Trường Tokyo xếp hạng 22, cao nhất châu Á
Bình luận (0)