Môi trường học tập lý tưởng cho sinh viên
TS Lê Minh Chiến, Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Đà Lạt, cho biết: Quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Trường ĐH Đà Lạt đã xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể để thực hiện. Chính vì vậy, trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực của nhà trường đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Sứ mệnh về nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như xu thế hội nhập quốc tế hiện nay đã được nhà trường thực hiện rất tốt”.
Việc mở rộng ngành nghề, lĩnh vực, loại hình đào tạo cùa nhà trường đã có thêm bước tiến mới. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Bộ GD-ĐT đã cho phép nhà trường mở thêm 5 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 1 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 2 ngành đào tạo trình độ ĐH, nâng tổng số ngành đào tạo của nhà trường lên 47 ngành; trong đó có 33 ngành đào tạo trình độ ĐH, 8 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 6 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Tổng số ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ của Trường ĐH Đà Lạt chiếm hơn một nửa số ngành đào tạo sau ĐH so với tổng số các cơ sở giáo dục ĐH trong khu vực Tây nguyên.
Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, TS Trần Hữu Duy thông tin thêm: “Năm 2015 tất cả chương trình đào tạo các trình độ đã được nhà trường xây dựng lại theo chuẩn đầu ra quốc tế CDIO, chú trọng đào tạo không chỉ về kiến thức mà còn là kỹ năng, thái độ và hội nhập quốc tế. Chương trình đào tạo mới đã được áp dụng giảng dạy từ năm 2016. Năm 2018, tất cả các chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra CDIO đã được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó tăng cường các nội dung thực tập nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học chuyên ngành, áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp nhằm tăng cường kỹ năng nghề nghiệp thực tế, ngoại ngữ, tin học cho người học sau khi tốt nghiệp”.
|
Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội
Theo TS Trần Hữu Duy, năm 2021, nhà trường đã và đang đẩy mạnh hoàn thiện các đề án mở ngành đào tạo trình độ ĐH mới, tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, trong đó tập trung ưu tiên khu vực Duyên Hải Nam Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ cũng như địa phương Lâm Đồng, như: Công nghệ thực phẩm, Hóa dược, Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Khoa học dữ liệu, Dân số và Phát triển, Văn hóa Du lịch,… Đối với trình độ đào tạo sau ĐH, nhà trường tiếp tục tăng cường đội ngũ, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu mở các ngành mới như tiến sĩ Công nghệ sinh học, thạc sĩ Khoa học cây trồng,… Song song đó, nhà trường đang xúc tiến xây dựng một số chương trình đào tạo chất lượng cao nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tập trung đầu tư cho ngành Du lịch, Luật học, Quản trị kinh doanh, Quốc tế học; ưu tiên đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, tự nhiên công nghệ, hóa học, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo.
Đội ngũ giảng viên cơ hữu, đặc biệt là các giảng viên có học hàm, học vị Phó giáo sư, tiến sĩ tiếp tục được tăng cường. Hiện nay có trên 30% giảng viên cơ hữu của trường có trình độ tiến sĩ, vượt xa mức trung bình chung của các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước là 23%. Bên cạnh đó, trường tăng cường mời giảng các chuyên gia, giảng viên nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản,… tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hệ thống phòng thí nghiệm, khu sản xuất thử nghiệm tiếp tục được quan tâm đầu tư và được tài trợ từ các công ty, doanh nghiệp với số vốn hàng chục tỉ đồng phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập của giảng viên và người học. Trường tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, trong đó hoàn thiện hệ thống phần mềm và trang thiết bị công nghệ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến, hoàn thiện hệ thống học liệu điện tử cho hình thức giảng dạy trực tuyến để giảm bớt thời lượng lên lớp, tăng cường tính chủ động cũng như các kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của người học. Đẩy mạnh công tác kiểm định chương trình đào tạo theo các bộ tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, phấn đấu đến năm 2025, có từ 3 đến 5 ngành đào tạo được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA và khoảng trên 10 ngành được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn Việt Nam.
|
“Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các cơ chế, chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt là các chính sách nhằm tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân, chuyên gia có uy tín tham gia sâu rộng vào quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như vấn đề thực tập nghề nghiệp và việc làm của sinh viên. Đồng thời, hoàn thiện việc dịch chuyển cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn nguồn nhân lực của xã hội. Tập trung đầu tư trọng điểm cho một số ngành đào tạo để nâng cao chất lượng mang tầm quốc tế, được xếp hạng trên các bảng xếp hạng uy tín của thế giới”, TS Lê Minh Chiến cho biết thêm.
Bình luận (0)