Từ 6-10.7.2015, Đại học (ĐH) Mondragon kết hợp với ĐH Aalborg, đại diện của UNESCO về PBL đã tổ chức Hội nghị Quốc tế PBL - International Joint Conference on the Learners in Engineering Education 2015 (IJCLEE 2015) tại Donostia-San Sebastian, Tây Ban Nha.
Hội nghị đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các giảng viên đến từ các viện, các trường đại học nổi tiếng của 20 nước trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Brazil, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ailen, Nam Phi, Costa Rica, Peru, Thụy Điển, Phần Lan, Colombia, Malaysia và Việt Nam. Với 3 báo cáo chuyên đề thuộc các lĩnh vực Quản trị, Tài chính và Điều dưỡng, Đại học Duy Tân - đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Hội nghị - đã được đánh giá cao bởi những đánh giá sâu sắc cũng như những hiệu quả của việc áp dụng mô hình PBL vào đào tạo và thực tế nghề nghiệp những năm qua tại Duy Tân.
ĐH Duy Tân trình bày tham luận tại Hội nghị Quốc tế PBL 2015
|
Ưu việt hơn so với các phương pháp đào tạo truyền thống, PBL (hay Project-Based Learning - Học tập dựa trên dự án) là một phương pháp đào tạo lấy người học làm trung tâm trên cơ sở tổ chức hình thức lớp học tích cực nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy cũng như học tập đã được ĐH McMaster lần đầu tiên áp dụng vào đào tạo từ năm 1969, đồng thời được UNESCO bảo trợ và lựa chọn trường ĐH Aalborg (Đan Mạch) làm cơ sở chính để triển khai ra khắp thế giới.
Bởi vậy, Hội nghị Quốc tế PBL (2 năm một lần) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng giáo dục quốc tế với những báo cáo được chờ đợi nhất. 58 báo cáo chuyên đề tại Hội nghị tập trung thảo luận vai trò của người học trong đào tạo đại học theo phương pháp PBL, hiệu quả từ phương pháp đào tạo PBL trong việc trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cùng những trải nghiệm nghề nghiệp thực tế trong môi trường đại học.
Cán bộ, giảng viên ĐH Duy Tân chụp ảnh lưu niệm và tham gia thảo luận, giao lưu tại Hội nghị
|
Ngay khi “bắt mạch” được xu hướng đào tạo chính thống trên thế giới và nhận thức rõ hiệu quả từ việc áp dụng mô hình đào tạo PBL trong giáo dục đại học, ĐH Duy Tân đã tổ chức các lớp tập huấn PBL cho cán bộ-giảng viên sau đó áp dụng thí điểm dưới dạng cụm môn học cho khối ngành Kinh tế - Quản trị, Y tế và Xã hội Nhân văn, song hành cùng việc áp dụng mô hình CDIO vào các khối ngành Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ của nhà trường. Việc áp dụng PBL trong đào tạo đã mang lại hiệu quả tích cực đối với công tác học tập cũng như nghiên cứu của sinh viên tại ĐH Duy Tân trong thời gian qua. Tại Hội nghị Quốc tế PBL lần này, ĐH Duy Tân trở thành một trong những đơn vị có nhiều báo cáo nhất với 3 báo cáo chuyên đề thuộc các lĩnh vực Quản trị, Tài chính và Điều dưỡng gồm:
1. PBL Implementation of Computer Simulation in the Teaching of Strategic Management at Duy Tan University (Triển khai PBL qua Phần mềm Mô phỏng Máy tính trong giảng dạy môn học Quản trị Chiến lược ở Đại học Duy Tân). ThS. Trần Tuấn Đạt.
2. Obstacles in the PBL Adoption for the Accounting Discipline at Duy Tan University (Những trở ngại trong việc đưa Phương pháp Học dựa trên Dự án (PBL) vào giảng dạy ngành Kế toán tại ĐH Duy Tân). TS. Lê Nguyên Bảo, ThS. NCS. Nguyễn Như Hiền Hoà.
3. Problems and Solutions of PBL Implementation in Nursing at Duy Tan University.(Vấn nạn và Giải pháp trong việc thực hiện Học dựa trên Dự án (PBL) đối với ngành Điều dưỡng tại ĐH Duy Tân). ThS. BS. Nguyễn Huỳnh Ngọc.
Trực tiếp báo cáo tại Hội nghị, TS. Lê Nguyên Bảo, Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân, cho biết: “Khi áp dụng mô hình PBL vào đào tạo, ĐH Duy Tân đã thực hiện một cách thận trọng, có lộ trình rõ ràng đồng thời có quá trình kiểm tra, đánh giá, so sánh kết quả đạt được một cách nghiêm túc để có cái nhìn tổng quan về hiệu quả đào tạo, từ đó có những thay đổi, điều chỉnh kịp thời. Bởi vậy, những kết quả các năm qua mà Duy Tân đạt được thể hiện qua các báo cáo tại Hội nghị đã được đại biểu từ nhiều nơi trên thế giới đánh giá cao.”
Bình luận (0)