Đại học Duy Tân và Trung tâm Nghiên cứu Vật lý - Quang học - Quang phổ tại miền Trung

12/09/2014 07:00 GMT+7

Mới thành lập cách đây 2 năm nhưng Trung tâm Nghiên cứu Vật lý - Quang phổ - Huỳnh quang của Đại học (ĐH) Duy Tân đã bật lên như một điểm sáng về nghiên cứu Vật lý Lý thuyết và Thực nghiệm tại miền Trung.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của GS. TSKH. Vũ Xuân Quang (nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Việt Nam), trung tâm đã nhanh chóng tập hợp được một nguồn nhân lực phong phú và có nhiều công bố khoa học trong và ngoài nước có giá trị. Trung tâm cũng nhận được sự quan tâm đầu tư đặc biệt của lãnh đạo Đại học Duy Tân trong phát triển cơ sở vật chất thí nghiệm phục vụ nghiên cứu.

Với hoài bão xây dựng một Trung tâm Nghiên cứu Vật lý hàng đầu tại miền Trung, đơn vị đã thu hút được nhiều Tiến sĩ Vật lý trẻ và đầy nhiệt huyết, tốt nghiệp từ các trường danh tiếng của Đức, Nhật, Thụy Điển, Nga,… Bước đầu, lực lượng cơ hữu của trung tâm bao gồm 1 GS. TSKH, 6 TS. và 6 ThS. ở một số mảng chuyên ngành Vật lý. Bên cạnh đó, trung tâm còn nhận được sự hỗ trợ của hàng chục cộng tác viên bán cơ hữu của Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam và một số đơn vị khác trong cả nước. Đáng chú ý, gần đây nhất, một nghiên cứu viên người nước ngoài, TS. David Marnix Albrecht Vercauteren (Quốc tịch Bỉ - từng làm PostDoc tại Tây Ban Nha và Brazil) đã “đầu quân” làm việc tại trung tâm để tiến hành các nghiên cứu về Vật lý Năng lượng cao.

Tính đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Vật lý - Quang phổ - Quang học, thuộc Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Cao, Đại học Duy Tân đã có 15 công bố quốc tế được đăng tải trên các tạp chí thuộc danh mục ISI (trong hơn 70 công bố quốc tế có ISI của ĐH Duy Tân từ năm 2011 đến nay) như Physical Review B, Optical Materials, Physical Status Solidi(b),…  Các cán bộ nghiên cứu của trung tâm cũng đang triển khai 4 Đề tài Nafosted với các nghiên cứu về Kim loại/Vật liệu nano, Tính chất Điện tử nano, Trạng thái exciton Điện môi, Polariton Ngưng tụ và các Hệ Vật liệu dưới Áp suất cao,… Gần đây, trong Hội nghị Vật lý Lý thuyết Toàn quốc lần thứ 39 tổ chức tại Buôn Ma Thuột, TS. Phan Văn Nhâm, một cán bộ của trung tâm đã được trao Giải thưởng Nghiên cứu Trẻ duy nhất toàn quốc năm 2014.

Song hành với công tác nghiên cứu là các hoạt động đào tạo và hỗ trợ đào tạo. Hiện có 6 nghiên cứu sinh ngành Vật lý đang học tập và được hướng dẫn bởi các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Vật lý - Quang phổ - Quang học ngay tại Đại học Duy Tân (với chỉ tiêu của Viện Vật lý Việt Nam). Trong đó, có 1 nghiên cứu sinh nước ngoài, Sengthong Bounyavong, đến từ Đại học Quốc gia Lào. Đồng thời, các cán bộ của trung tâm đã không ngừng hỗ trợ và hướng dẫn cho sinh viên các cấp trong trường. Trong 3 năm từ 2012 đến 2014, được sự hướng dẫn của các cán bộ nghiên cứu tại trung tâm, sinh viên Duy Tân đã đoạt 5 giải Nhì, 2 giải Ba, 6 giải Khuyến khích trong các Kỳ thi Olympic Vật lý Sinh viên Toàn quốc. Công tác hướng dẫn về chuyên môn Cơ học của các Thạc sĩ Xây dựng tại Đại học Duy Tân cũng một phần được gánh vác bởi các cán bộ của trung tâm.

Công tác hợp tác quốc tế trong nghiên cứu cũng đặc biệt được chú trọng. Trung tâm Vật lý - Quang phổ - Huỳnh quang có nhiều cộng tác nghiên cứu với các trường, viện và chuyên gia hàng đầu thế giới như GS. YongTak Lee-Giám đốc Viện Nghiên cứu Quang tử Cao cấp, Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju (Hàn Quốc); GS. Masayuki Nogami - Chuyên gia Viện Kỹ thuật Nagoya (Nhật Bản); GS. Michel Jouan-ĐH Ecole Centrale Paris (Pháp); Eckart Eyser - Tổng Giám đốc Hãng Chế tạo Thiết bị Khoa học TRÉSCOM (Đức),… về các mảng như Sol-gel, đất hiếm, vật liệu thủy tinh pha tạp đất hiếm,...

GS. Masayuki Nogami, Viện Kỹ thuật Nagoya Nhật Bản chia sẻ: “Được mời sang Duy Tân hợp tác nghiên cứu trong 2 năm qua, chúng tôi đã triển khai rất nhiều nghiên cứu hữu ích trong lĩnh vực Quang phổ và Khoa học Vật liệu. Nhiều thiết bị thí nghiệm cao cấp tại Đại học Duy Tân như các máy Spectrofluorometer, Raman,… bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu quốc tế của nhóm nghiên cứu tại đây. Nghiên cứu Quang phổ trên thế giới đang ngày càng trở nên quan trọng và việc đẩy mạnh mảng nghiên cứu này tại Duy Tân là một bước đi đúng đắn.”

Khánh Huyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.