Đại học Huế tiền thân là Viện Đại học Huế, thành lập vào tháng 3.1957 và được tổ chức lại vào năm 1994 theo Nghị định số 30/CP ngày 4.4.1994 của Chính phủ, là một trong ba đại học vùng của cả nước, là đại học đa ngành, đa lĩnh vực;"thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước".
Năm 1994, khi mới tái thành lập, Đại học Huế có Đại học Đại cương và 5 trường thành viên, đến nay Đại học Huế phát triển thêm các trường đại học: Kinh tế; Ngoại ngữ; Luật; Viện Công nghệ sinh học, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, Trường Du lịch, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa Quốc tế và Khoa Giáo dục thể chất; Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin, Viện Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, Viện Chuyển đổi số và Học liệu, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trung tâm Phục vụ sinh viên, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Nhà xuất bản, Tạp chí Khoa học.
Đại học Huế có 3.647 viên chức và lao động, trong đó có 214 giáo sư, phó giáo sư, 807 tiến sĩ, 1.526 thạc sĩ, 38 giáo sư danh dự người nước ngoài, tăng hơn 9 lần so với năm 1994.
Qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 30 năm tái thành lập, Đại học Huế đã đào tạo và cấp bằng cho khoảng 320.265 bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân; gần 24.230 thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ.
Số lượng công bố các bài báo, đề tài khoa học của cán bộ, giảng viên Đại học Huế trên các ấn phẩm khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI (hay WoS) và danh mục Scopus tăng nhanh, giai đoạn 2015-2023, ước tăng khoảng 25-30%/năm. Liên tiếp trong 6 năm (2018-2023), Đại học Huế đứng thứ hai trong các cơ sở giáo dục đại học về số lượng công bố thuộc danh mục ISI được Bộ GD-ĐT khen thưởng.
Hiện tại, Đại học Huế có 17 chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học với các đối tác Áo, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Belarus, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Phần Lan và Aillen…; 27 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và nhiều chương trình đào tạo một phần bằng tiếng nước ngoài. Với chất lượng đào tạo uy tín, Đại học Huế đã thu hút ngày càng nhiều lưu học sinh các nước Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào… đến học tập và nghiên cứu sinh.
Liên tục các năm 2023, 2024, 2025 Đại học Huế là 1 trong 6 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được xếp trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới của THE với vị trí 1501+, có mặt trong top các trường đại học châu Á, QS Asia, thứ hạng trên Webometrics tăng dần qua từng năm.
Phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia
Định hướng phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia đã được khẳng định tại Kết luận 48-KL/TW ngày 25.5.2009 của Bộ Chính trị. Tiếp đó, Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: "Xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu châu Á". Trong các Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27.5.2020 của Chính phủ đều khẳng định chủ trương xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.
Thời gian qua, Đại học Huế tập trung các đề án trọng điểm: thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia khu vực miền Trung trên cơ sở phát triển Viện Công nghệ sinh học; xây dựng Trường Đại học Y - Dược theo mô hình Trường - Viện cấp quốc gia, hướng tới đạt chuẩn quốc tế vào năm 2045; xây dựng Trường ĐH Sư phạm thành trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia; xây dựng Đề án thành lập trường đại học thành viên tại Quảng Trị trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực cho tỉnh Quảng Trị và các tỉnh lân cận trên cơ sở nguồn lực chung của Đại học Huế.
Đến nay, Đại học Huế đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện để phát triển thành Đại học Quốc gia.
Trở thành Đại học Quốc gia, Đại học Huế sẽ đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong thời đại nền kinh tế tri thức và kinh tế số, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ tri thức và nền tảng khoa học công nghệ cho các địa phương và cả nước.
Bình luận (0)