Đại học thiếu người học

02/10/2011 22:35 GMT+7

Hầu hết các trường ngoài công lập (NCL) đều phải thông báo xét tuyển NV3 với chỉ tiêu rất lớn. Bên cạnh đó, số trường công lập tham gia tuyển NV3 cũng không hề ít, khiến “cuộc đua” tìm thí sinh hết sức mệt mỏi.

Càng lúc càng khó

Năm nay, do nhiều trường công lập lấy điểm chuẩn NV1 bằng điểm sàn nên hầu hết các trường NCL gặp khó khăn trong tuyển sinh. Đến khi xét tuyển NV3 các trường công lập lại tiếp tục tuyển với mức điểm đúng điểm sàn. Có một số trường công lập lại còn cho vận dụng điều 33 quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ để tuyển cả những thí sinh không đủ điểm sàn!


Thưa thớt thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV3. Ảnh chụp tại trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Dự báo trước khó khăn, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (VIPUA) đã tổ chức 2 cuộc hội thảo ở phía Bắc và Nam thống nhất kiến nghị về điểm sàn gửi Bộ GD-ĐT với hai phương án: Giao cho các trường căn cứ vào chỉ tiêu được phân, nguồn tuyển, yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương để kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình Bộ duyệt. Nếu giữ nguyên “điểm sàn chung” cho cả nước thì chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước.

Lịch sử điểm sàn

Năm 2002, Bộ GD-ĐT tổ chức tuyển sinh “ba chung” (chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả) trên toàn quốc và 2 năm sau thêm quy định điểm sàn ĐH với mức 14 điểm dành cho khối A và D, 15 điểm (khối B và C). Trong 8 năm áp dụng, mức điểm sàn thấp nhất là năm 2006 (A, D: 13 điểm - B, C: 14), đúng mức này trở lại vào năm 2009, 2010 và 2011.

Sau khi có điểm sàn năm 2011, VIPUA lại tổ chức hội thảo dành cho trường NCL ở miền Trung, vấn đề công bằng giữa các loại hình trường và giữa sinh viên với nhau được nêu lên. Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch VIPUA, đề nghị cần phải đối xử công bằng vì sinh viên dù học ở trường nào cũng đều là công dân, gia đình họ cũng có nghĩa vụ đóng thuế nên Nhà nước cần hỗ trợ một tỷ lệ nào đó về chi phí đào tạo cho sinh viên các trường NCL. Khi mức chi phí vào các trường NCL thấp, sinh viên có thể chọn lựa vào học các trường này.

Xin tuyển khối B, giảm điểm sàn…

Trước tình hình tuyển sinh khó khăn trong năm nay, VIPUA và các trường đưa ra một số đề nghị nhằm kiếm được người học, tránh tình trạng đóng cửa.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết còn khoảng hơn 200 ngàn thí sinh đủ điểm sàn nhưng không trúng tuyển NV1 để tham gia xét tuyển NV2 và NV3. Thế nhưng, ngoài lý do điểm sàn cao, nhiều trường vẫn không tuyển sinh được do khối B là khối có thừa nhiều thí sinh đạt điểm sàn nhất, nhưng không phải là khối mà nhiều trường cần tuyển. Hầu hết thí sinh đăng ký NV ở khối A nhưng độ dôi dư của khối này rất ít so với yêu cầu. Vì vậy VIPUA đề nghị Bộ cho một số ngành (nhất là các ngành khối kinh tế) được tuyển thêm các thí sinh dự thi khối B.

VIPUA còn đề nghị nên cho các trường kéo dài thêm thời gian xét tuyển NV3 khoảng 10 ngày. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - Phó hiệu trưởng trường ĐH Cửu Long, cho rằng hiện nay nhiều trường ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên… còn dư chỗ học nhưng do không đủ điểm sàn nên hàng nghìn thí sinh có nhu cầu được học tập vẫn không được chấp nhận. Vì vậy, PGS-TS Tống đề nghị: “Sau ngày 10.10, trong thời gian được kéo dài thêm NV3, có thể cho giảm điểm sàn thêm 1 điểm. Khi đó, trường nào có nhu cầu tuyển thêm trong chỉ tiêu của mình và đủ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy thì có tờ trình xin Bộ cứu xét”.  

Theo luật sư Trịnh Hữu Chung - Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường còn khoảng 15% hồ sơ nữa là đủ chỉ tiêu. Tuy vậy, số lượng thí sinh nộp đơn xét tuyển không cân đối, hồ sơ ngành kiến trúc và tài chính - ngân hàng rất cao. Ba ngành có rất ít hồ sơ là: tiếng Pháp, kỹ thuật công trình, tiếng Trung. Luật sư Chung cho biết trường cũng đề xuất việc phối hợp đào tạo với một số trường khác có nhu cầu. Trường khác có thể gửi sinh viên sang trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng để ghép chung lớp đào tạo hoặc ngược lại, để tránh tình trạng khó khăn như hiện nay - sinh viên quá ít không đủ mở lớp. Còn thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) nói: “Đây cũng là một ý kiến hay bởi nếu đóng cửa ngành học sẽ có nhiều hệ quả: sinh viên không được học ngành mình yêu thích, nhiều khi nhu cầu xã hội cần cũng không có sinh viên ra trường để đáp ứng”. Tuy vậy, thạc sĩ Bình cũng thừa nhận: “Điều này không phải dễ. Mỗi trường có một chuẩn đầu ra, tư duy đào tạo, phong cách riêng. Cần phải có nhiều buổi ngồi lại giữa Hội đồng khoa học của các trường mới có thể thống nhất được”.

Nhựt Quang - Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.