Đại hội Đảng cơ sở là một thiết chế quan trọng, vừa kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ trước, đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới, vừa bầu ra bộ máy lãnh đạo mới để tổ chức thực hiện phương hướng đó và một số nhiệm vụ khác. Đại hội cũng tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tức là tham gia những vấn đề quan trọng của cấp trên, của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ quân đội 1960 - Ảnh: T.L
|
Đây là cuộc sinh hoạt chính trị đặc biệt, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt công tác của địa phương, của cơ quan - đơn vị. Đặc biệt, Đại hội Đảng cơ sở năm nay diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người về công tác lãnh đạo, tổ chức Đại hội Đảng luôn cần thiết được thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc.
Từ lý luận và thực tiễn phong phú và sâu sắc, trong bài Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa. Cho nên, toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để đảm bảo đại hội thành công thật tốt đẹp...”. Đại hội Đảng “là một dịp rèn luyện chính trị rất quan trọng và rất rộng khắp cho toàn Đảng. Cho nên tất cả các đảng viên cần phải hăng hái tham gia thảo luận”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, thảo luận trong Đại hội Đảng phải đảm bảo 3 điều cốt lõi: nâng cao đạo đức cách mạng cho đảng viên; đoàn kết và củng cố tốt chi bộ; đẩy mạnh và hoàn thành tốt những nhiệm vụ Đảng đã đề ra. Để việc thảo luận đạt được chất lượng, hiệu quả cao thì: “Khi thảo luận ở chi bộ, mỗi một đồng chí phải liên hệ đúng Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với Đại hội Đảng. Phải thành khẩn tự phê bình tư tưởng và công tác của mình, sửa chữa những khuyết điểm để củng cố tốt chi bộ và để rèn luyện mình trở thành người đảng viên tốt”. Phần nhiệm vụ của chi bộ “thì phải liên hệ chi bộ đã thực hiện những nhiệm vụ ấy thế nào? Có thiếu sót gì và cần sửa chữa như thế nào… Trong những hoạt động chính trị của mình trước kia và hiện nay, việc đúng và việc sai, mình đã thật thà nói hết với Đảng chưa? Hay là còn giấu giếm phần nào?”. Về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Để các chi bộ thảo luận tốt, thì cấp trên phải lãnh đạo, giúp đỡ, theo dõi, rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm”. Đồng thời, việc thảo luận, biểu quyết tại đại hội chi bộ phải thật sự dân chủ để tất cả các đảng viên bày tỏ hết chính kiến của mình.
Từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ càng nhận thức sâu sắc rằng thảo luận, tranh luận, biểu quyết trong đại hội là một trong những hình thức sinh hoạt nhằm phát huy trí tuệ, tiếp cận chân lý, thống nhất nhận thức, hành động trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong thực tế, Đại hội Chi bộ ở nhiều nơi đã có nhiều nỗ lực thực hiện được tinh thần trên; đặc biệt, đối với nội dung báo cáo kết quả nhiệm kỳ qua, phương hướng nhiệm kỳ tới và công tác nhân sự. Diễn biến và kết quả đại hội phản ảnh trung thực, rõ nét về tình hình cơ quan, đơn vị; quá trình đóng góp ý kiến, thể hiện tín nhiệm của đảng viên đối với nhân sự cấp ủy, cán bộ chủ chốt… cũng chính là thước đo cho sức chiến đấu, sức sống của tổ chức cơ sở. Không phải là thủ tục, không chỉ là hình thức mà là chiều sâu, là bản chất nhằm xây dựng cơ quan, đơn vị tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh hơn.
Bình luận (0)