Chiều 25.12, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ tổ chức Hội thảo Đánh giá về diễn biến lũ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2024.
Ứng dụng AI vào dự báo thời tiết
Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, trong mùa mưa, lũ năm 2024 có có 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông - ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Trong đó, lượng mưa từ tháng 6 đến tháng 8 thấp hơn, tháng 9 và tháng 10 xấp xỉ hoặc lớn hơn cùng kỳ nhiều năm và trung bình nhiều năm. Lượng mưa lớn nhất trong mùa mưa, chủ yếu vào tháng 7, 8 và 9. Lượng mưa trung bình lớn nhất đạt vào tháng 9 do ảnh hưởng của cơn siêu bão số 3 (Yagi).
Ông Nguyễn Minh Giám, nguyên Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ - chuyên gia khí tượng thủy văn cho hay, công tác dự báo đang gặp những thách thức vì nhiều nguyên nhân như: tính phức tạp của hệ thống sông ngòi, ảnh hưởng của các hoạt động xây dựng công trình thủy điện, đô thị hóa làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông, thiếu dữ liệu quan trắc ở vùng sâu vùng xa và biến đổi khí hậu…
"Mùa mưa lũ năm 2024 với nhiều diễn biến bất thường đã đặt ra những thách thức lớn cho công tác dự báo và phòng chống thiên tai. Để ứng phó hiệu quả với tình hình này, cần có sự đầu tư nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường công tác quan trắc, xây dựng các mô hình dự báo chính xác hơn, ứng dụng công nghệ AI vào dự báo cảnh báo đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về dự báo khí tượng thủy văn và ứng phó, phòng chống thiên tai", chuyên gia khí tượng thủy văn đề xuất.
Ông Phạm Hồ Quốc Tuấn, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ thông tin thêm, thời gian tới, Đài sẽ nghiên cứu phát triển dự báo bằng công nghệ AI bên cạnh phương pháp truyền thống để thời gian tới nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ chi tiết, cụ thể đến từng địa điểm. Từ đó, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ sẽ tiến tới công nghệ tự động, hiện đại hơn để nâng cao nhân lực, tinh giảm nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
"Ngập lụt ở Cần Thơ và Vĩnh Long ngày càng nghiêm trọng"
Chia sẻ về những bất thường trong mùa lũ năm 2024, ông Nguyễn Minh Giám cho hay, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo ông Giám, mùa lũ năm 2024 tại ĐBSCL có nhiều bất thường như: mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn bình thường gây áp lực lớn lên hệ thống đê điều và các công trình thủy lợi.
Năm 2024, ĐBSCL cũng có lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn; triều cường lên cao và kéo dài đã gây ngập lụt nghiêm trọng ở các vùng trũng, đặc biệt là các đô thị lớn. Ngoài ra, xâm nhập mặn diễn ra sớm và sâu hơn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt…
Ông Nguyễn Minh Giám đánh giá, tình trạng ngập lụt ở TP.Cần Thơ và Vĩnh Long là một vấn đề phức tạp, do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả tự nhiên và nhân tạo. Sự chồng chéo của triều cường và lũ từ thượng nguồn, kết hợp với các yếu tố nội tại của khu vực, đã làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Phân tích nguyên nhân, ông Giám chỉ ra nhiều nguyên nhân làm ngập lụt ở Cần Thơ và Vĩnh Long ngày càng nghiêm trọng như: triều cường, lũ thượng nguồn sông Mekong, mưa tại chỗ, địa hình thấp và mạng lưới sông ngòi chằng chịt, sụt lún đất.
"Ngoài ra, hệ thống thoát nước đô thị chưa hoàn chỉnh; đô thị hóa nhanh chóng và bê tông hóa; xây dựng hệ thống đê bao để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và các công trình thủy lợi cũng có thể làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, hạn chế khả năng thoát lũ, và làm gia tăng mức độ ngập lụt ở một số khu vực", ông Giám chia sẻ.
Kết luận hội thảo, ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ nhận xét, thời gian quan, những người làm dự báo đã nỗ lực, công tác dự báo sát thực tế, phối hợp chặt chẽ địa phương đem lại kết quả tốt cho ĐBSCL về chủ động phòng chống thiên tai. Cụ thể, năm qua cây trái, lúa, hoa màu của bà con được bảo vệ. Công tác dự báo kịp thời, có độ tin cậy cao là một trong những yếu tố thúc đẩy kinh tế của ĐBSCL.
Bình luận (0)