Theo tờ Dân báo (Taiwan People News), tham gia buổi lễ thành lập Ủy ban Người nhập cư ngày 22.2, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cho biết tính đến nay số người nhập cư vào Đài Loan đã lên tới 500.000 người, còn thế hệ thứ 2 của người nhập cư đã lên tới 350.000 người. Người nhập cư tại Đài Loan hiện đã bước sang đời thứ 5.
Bà Thái Anh Văn nói: “DPP từ trước tới nay luôn coi trọng và chủ trương phát triển đa văn hóa, đa sắc tộc. Ngoài việc lắng nghe ý kiến của dân, tôn trọng đa văn hóa, đa sắc tộc, DPP còn cần phải đáp ứng các nhu cầu và ý kiến của người nhập cư. DPP cần thông qua những hành động thực tế để chuyển tải đến từng người dân ở Đài Loan rằng DPP không chỉ coi trọng về vấn đề của người nhập cư, mà còn muốn trở thành những người bạn thực sự của người nhập cư. Trong tương lai, người nhập cư và các thế hệ mới sẽ tiếp tục đem lại sức sống rất khác biệt cho Đài Loan trong ngôn ngữ, văn hóa và nhiều lĩnh vực”.
Ủy ban Người nhập cư được thành lập gồm 12 ủy viên, trong đó có 8 người nhập cư (gồm từ Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Campuchia) và đại diện của thế hệ thứ hai. Ủy viên người Việt là một nữ giáo viên dạy tiếng Việt tại Đài Loan.
Vị thế người nhập cư Việt được nâng cao
Chị Nguyễn Phương Lan - Hội phó Hội Việt kiều ở Đài Loan cho biết: “Cộng đồng người Việt Nam tại Đài Loan ngày càng lớn mạnh. Việc DPP thành lập Ủy ban Người nhập cư là thiết thực và chính đáng, rất có ích cho người nhập cư Việt Nam và người nhập cư từ các nước khác. Tôi rất mong Ủy ban này sẽ hoạt động hiệu quả, mang lại quyền lợi với nhiều tiếng nói của người nhập cư Việt hơn nữa”.
So với những năm trước, vai trò và vị thế của người nhập cư Việt tại Đài Loan đã ngày một tăng cao với nhiều ngành nghề đa dạng, trong đó cũng có không ít người làm chủ doanh nghiệp, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người bản địa. Ngoài ra, nhiều người nhập cư Việt còn hoạt động trong ngành sư phạm, MC truyền hình…
Có lẽ cũng chính vì điều này, lễ hội hoa đăng diễn ra vào ngày 12.2 tại huyện Vân Lâm (phía tây Đài Loan với 2,25 triệu lượt du khách) đã dành riêng một khu sân khấu lớn mang tên gọi Đêm Việt Nam. Khu vực này được trang trí nhiều đèn lồng lớn rực rỡ với những nét đặc trưng của Việt Nam như cô gái Việt mặc áo dài, chợ Bến Thành, thuyền buồm trên vịnh Hạ Long, sao vàng năm cánh… cùng dàn đèn lớn màu đỏ kết chữ Kính chào quý khách.
Các cô dâu Việt trong tà áo dài đã ra sân khấu tham gia các tiết mục văn nghệ, bất chấp tiết trời giá rét tới 10 độ C. Nhiều du khách đã tranh nhau chụp hình với các cô dâu Việt trong bộ áo dài thướt tha. Bên cạnh các mô hình đèn lồng lớn còn có nhiều bảng thông tin giới thiệu phong tục tập quán ngày Tết Việt Nam bằng ba thứ tiếng Việt, Hoa, Anh.
Trao đổi với chị Lên - một cô dâu Việt, là chủ một tiệm ăn tại thành phố Cao Hùng, được biết công việc của chị rất bận rộn do tiệm đông khách nhưng bù lại thu nhập khá tốt, con cái hiện đang học đại học. “Khách khứa và người quen biết đều không còn tâm lý kỳ thị hoặc xem thường người nhập cư Việt nói riêng hoặc người nhập cư nói chung nữa. Người dân bản địa hay người nhập cư đều phải làm việc, phải lao động cần cù. Tôi tự hào vì những thành quả tôi cố gắng có được sau bao năm tháng nhọc nhằn. Hiện giờ tôi là chủ gia đình, bảo đảm được kinh tế gia đình, nuôi con cái ăn học đấy,” chị Lên hào hứng khoe.
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)