Dải Ngân hà đặc biệt đến mức nào?

26/09/2024 11:49 GMT+7

Cách đây hơn một thập niên, một đội ngũ các nhà khoa học đã bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: 'Dải Ngân hà đặc biệt đến mức nào?'. Và họ vừa công bố câu trả lời.

Dải Ngân hà đặc biệt đến mức nào?- Ảnh 1.

Hình ảnh một thiên hà như Dải Ngân hà và các vệ tinh của nó

ảnh: khảo sát SAGA

Để làm được điều này, các chuyên gia khởi động các cuộc nghiên cứu mang tên Khảo sát các vệ tinh xung quanh thiên hà tương tự (SAGA). Trong thời gian qua, đội ngũ các nhà nghiên cứu thực hiện cuộc rà soát 101 hệ thống thiên hà vệ tinh như của Dải Ngân hà.

Giờ đây, họ công bố 3 báo cáo đăng trên cổng thông tin arXiv, cung cấp những thông tin mới mẻ về sự độc nhất vô nhị của Dải Ngân hà.

Các thiên hà vệ tinh là những thiên hà nhỏ hơn về mặt khối lượng và kích thước, trong khi xoay quanh một thiên hà lớn hơn và thường được gọi là thiên hà chủ. Như các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất, những thiên hà vệ tinh này chịu ảnh hưởng từ lực hấp dẫn và vật chất tối đến từ thiên hà chủ.

Bản thân Dải Ngân hà là thiên hà chủ với một số thiên hà vệ tinh. Hai thành viên lớn nhất trong số này là Đám Mây Magellan Nhỏ (SMC) và Lớn (LMC).

Mục tiêu của Khảo sát SAGA là tìm nét đặc trưng của các vệ tinh xung quanh những thiên hà chủ có cùng khối lượng sao như Dải Ngân hà.

Các đồng tác giả báo cáo lần lượt là chuyên gia Yao-Yuan Mao của Đại học Utah, chuyên gia Marla Geha của Đại học Yale và chuyên gia Risa Wechsler của Đại học Stanford (toàn bộ là đại học Mỹ.

Trong đó, chuyên gia Mao là tác giả chính của báo cáo đầu tiên trong số 3 báo cáo chuẩn bị được đăng trên chuyên san Astrophysical.

Dải Ngân hà đặc biệt đến mức nào?- Ảnh 2.

Ảnh tổng hợp 378 thiên hà tương tự Dải Ngân hà

ảnh: khảo sát SAGA

Thiên hà ngoại lệ?

Trong báo cáo đầu tiên do chuyên gia Mao dẫn đầu, các nhà nghiên cứu tập trung vào 378 thiên hà vệ tinh được xác định ở khắp 101 hệ thống thiên hà có khối lượng như Dải Ngân hà.

Số vệ tinh được xác nhận dao động từ 0 đến 13, so với 4 vệ tinh của Dải Ngân hà.

"Dải Ngân hà dường như có ít thiên hà vệ tinh hơn", theo chuyên gia Mao. Khảo sát SAGA phát hiện những hệ thống thiên hà có vệ tinh khổng lồ như LMC thường có khuynh hướng sở hữu tổng số vệ tinh nhiều hơn, trong khi Dải Ngân hà hoàn toàn là sự ngoại lệ.

Lời giải thích cho sự khác biệt này giữa Dải Ngân hà và các hệ thống SAGA đó là Dải Ngân hà mới "thâu tóm" LMC và SMC gần đây hơn, so với độ tuổi của vũ trụ.

Lộ chân dung hố đen "gã khổng lồ hiền lành" trong dải ngân hà

Tại sao thiên hà ngừng tạo ra các ngôi sao?

Báo cáo thứ hai do chuyên gia Geha dẫn đầu muốn tìm hiểu liệu những thiên hà vệ tinh vẫn còn đủ năng lực tạo ra các ngôi sao hay không. Việc hiểu được những cơ chế ngăn chặn sao hình thành ở các vệ tinh sẽ là câu hỏi quan trọng trong lĩnh vực tiến hóa của thiên hà.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu phát hiện những thiên hà vệ tinh nằm gần thiên hà chủ nhiều khả năng bị áp chế năng lực "đẻ" sao.

Còn báo cáo thứ ba do tiến sĩ Yunchong (Richie) Wang dẫn đầu. Báo cáo sử dụng các kết quả đến từ Khảo sát SAGA để cải thiện những mô hình lý thuyết hiện có về sự hình thành thiên hà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.