Thổi để chữa bệnh
Dãy Trường Sơn bao đời nay là nơi quần cư của các dân tộc thiểu số anh em ở miền Trung như Pa Kôh, Tà Ôi, Pa Hy, Vân Kiều, Cơ Tu… Mảnh đất đa sắc màu văn hóa này luôn có những câu chuyện ly kỳ, trong đó có thứ thuốc thần bí mang tên “thuốc thổi”.
Khi biết tôi có ý định tìm hiểu về bài thuốc này, nhiều người lắc đầu cho rằng có cạy miệng thì đồng bào cũng không kể sự thật. Nhưng tôi đã gặp may khi gặp anh Nguyễn Văn Mậu (34 tuổi, người dân tộc Pa Kôh, trú xã Hồng Thượng) trong những ngày rong ruổi ở vùng cao H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế. Nói là may bởi tôi chứng kiến anh Mậu tìm đến cụ bà trong thôn để được cụ “thổi” vào chân ngay sau vụ ngã xe máy.
Mế Căn Ni dùng bài thuốc thổi để chữa các bệnh về xương khớp |
HOÀNG SƠN |
Hôm tôi tìm đến nhà, anh Mậu ngồi ôm chân phải sưng tấy, nhăn nhó. Anh bảo, chân đau thế này nếu tìm đến trung tâm y tế huyện thì cũng cực nhọc nên nhờ mẹ vợ tìm thầy “thổi”. “Mế (cụ bà) có nhà đó. Luôn tiện có anh đây, nhờ anh dìu Mậu sang cho bà “thổi”, bà Nguyễn Thị Ngọc, mẹ vợ Mậu, nhìn tôi nhờ vả. Tôi đỡ anh Mậu dậy rồi dìu đến nhà bà Căn Ni (71 tuổi, trú thôn Ky Ré). Trước khi đi, bà Ngọc đã chuẩn bị sẵn ít lễ gồm 1 xị rượu trắng, 1 gói thuốc, 3 thẻ hương, 1 hộp bánh và vài củ gừng. Nhận lễ xong, mế Căn Ni sờ vào đầu gối đang sưng to của Mậu gật gật, ra ý có thể chữa khỏi.
Thoạt tiên, mế xoa bóp rồi dùng miệng thổi hơi đều đều lên đầu gối. Vừa thổi, mế vừa lẩm nhẩm câu gì đó. Xong, mế Căn Ni lại dùng hơi thổi vào củ gừng rồi dặn dò: “Về nhà, xắt lát gừng rồi thoa đều lên chỗ đau. Chiều lại nhà mế “thổi” tiếp cho”.
Những người tìm đến nhà mế để được “thổi” thường đi vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối. Mỗi đợt điều trị thường 2 - 3 ngày, dài nhất thì cỡ 7 ngày tùy theo bệnh nặng nhẹ. Việc trị bệnh bằng bài thuốc thổi chỉ diễn ra trong chừng 2 phút. Tôi dìu Mậu về nhà nghỉ ngơi. Vợ chồng anh lấy lát gừng ra xoa lên chỗ sưng tấy. Cảm giác họ rất yên tâm. Còn tôi thì trong lòng đầy hoài nghi, tự hỏi: Thổi bệnh như thế liệu có khỏi thật không? Nếu khỏi thì bằng “cơ chế” nào?
“Không muốn tin cũng… phải tin”
Để trả lời những nghi vấn ngổn ngang trong đầu, 2 ngày sau tôi quay lại nhà anh Mậu để xem bệnh tình thuyên giảm đến đâu. Vừa nghe tiếng xe máy dừng trước nhà, Mậu tập tễnh bước ra. Tôi chưa kịp hỏi thì anh đã cười: “Chân tôi đỡ hơn rất nhiều. Chắc 2 ngày nữa là có thể chạy được”.
Như đọc được suy nghĩ trong đầu tôi, bà Ngọc kể mấy năm trước đá bóng, chính bà gặp sự cố, bị gãy ngón tay phải. Nhiều người khuyên nên tìm mế Căn Ni. “Nói thật, hồi đó tôi nghĩ “thổi” thì làm sao khỏi đau được. Nhưng rồi ngại đi bệnh viện, tôi tìm đến mế. Đêm đầu tiên được mế thổi, tôi đỡ đau rất nhiều. Khoảng 1 tuần sau, ngón tay hồi phục hẳn. Tôi biếu mế số tiền kha khá nhưng mế chỉ lấy có 100.000 đồng, bảo chỉ giúp người giúp đời thôi”, bà Ngọc kể.
Từ khi biết tới bài thuốc thổi của mế Căn Ni, hễ có chuyện là anh Mậu tìm tới bà. Nhiều người trong thôn cứ có bệnh liên quan đến xương khớp cũng nhờ mế. Tiếng lành đồn xa, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo cũng tìm tới… “Nhưng mế chỉ “thổi” cho cái xương, cái khớp nó khỏe lại. Cái răng, con mắt bị đau cũng “thổi” được. Còn mấy bệnh nặng thì mế không thổi đâu! Thổi rồi không lành, “thuốc” không thiêng nữa”, bà Căn Ni nói.
Ngay cả một số cán bộ địa phương cũng tin vào bài thuốc thổi lạ lùng này. Anh L.T.T (cán bộ một đơn vị tại H.A Lưới) kể, cách đây 6 năm anh bị tai nạn xe máy, gãy chân trái. Sau khi được bệnh viện mổ cố định bằng nẹp sắt, anh tìm tới “thầy thổi” để mong vết thương nhanh lành hơn. “Tôi được thổi 7 ngày thì thấy cái chân mình khỏe hẳn ra, xương liền lại rất nhanh. Đến ngày mở lấy ốc vít, bác sĩ bảo lần đầu tiên trong đời ông thấy trường hợp xương liền lại nhanh như đã mổ vài năm trước đó”, anh T. kể.
Là một người Kinh sống ở A Lưới 40 năm nay, ông Lê Văn Thuận (trú TT.A Lưới) bảo “không muốn tin cũng… phải tin”. Thập niên 80 thế kỷ trước, ông lên A Lưới lập nghiệp với nghề buôn gỗ, phế liệu chiến tranh… Công việc nặng nhọc, ông thường bị dập ngón chân, gãy tay. “Điều kiện y tế hồi đó còn thiếu thốn. Tôi nghe dân bản truyền nhau về bài thuốc thổi nên tìm đến một người ở xã Hồng Nam để điều trị. Đúng là vết thương khi được thổi rất nhanh lành. Sau này, cứ bị tai nạn là tôi đều tìm đến ông. Tiếc là ông đã mất cách đây mấy năm”, ông Thuận kể.
Vì có hiệu quả nên nhiều người dân sinh sống trên dãy Trường Sơn rất tin vào bài thuốc thổi |
Chiếc lá thuốc bí ẩn
Cộng đồng người Tà Ôi ở H.A Lưới rất tin vào phương thuốc thổi. Mấy mươi năm qua, già Quỳnh Hiền (83 tuổi, trú xã A Ngo) trở thành ân nhân của không biết bao người. Khác với mế Căn Ni, già Hiền có cách dùng hơi thổi với một chiếc lá bí ẩn. Những người bị gãy xương, gai cột sống, trật khớp… thường được già Hiền đắp chiếc lá này lên rồi thổi nhẹ. “Mỗi lần thổi cho người bệnh, bố thường hái 2 - 3 lá thuốc. Đây là thuốc giấu nên chỉ bố mới biết nó ở đâu. Thổi nhanh lắm, cỡ trong 1 phút là xong thôi. Nhưng đã theo thổi là phải kiên trì, không phải thấy đỡ một xíu là bỏ ngang”, già Hiền nói.
Tùy vào những loại bệnh, như trẻ em quấy khóc, tiêu chảy, gãy xương... mà già Hiền có cách thổi khác nhau. Có khi già nhai gạo, nhổ vào chỗ bị đau rồi thổi; lúc thì dùng rượu phun lên rồi xoa. Riêng với vết thương sau mổ, để nhanh liền sẹo, sau mỗi lần thổi, già Hiền thường cho người bệnh 2 - 3 chiếc lá bí ẩn về đắp. Nhiều người khỏi bệnh biếu ít tiền để trả ơn nhưng già nhất quyết không lấy.
Dù tin “thuốc thổi”, cũng nên điều trị song song
Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn (H.A Lưới), cho biết nhiều người dân địa phương vẫn truyền tai nhau về công dụng của bài thuốc thổi. “Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bà con nên tìm tới y học hiện đại để được chữa trị vì thuốc thổi là bài thuốc chưa được thẩm định. Nếu bà con có tin vào thổi thì cũng phải điều trị song song”, ông Tôi nói.
Bác sĩ Lê Minh Nương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã A Ngo, cũng khuyến cáo: “Chúng tôi không khuyến khích việc người dân tìm đến thầy để thổi bệnh mà khi đau ốm thì nên tìm đến trạm y tế để được chăm sóc kịp thời. Thuốc thổi tuy không phải là mê tín dị đoan nhưng chưa được kiểm chứng”.
Những ngày ở H.Tây Giang (Quảng Nam), nhiều đồng bào Cơ Tu xác quyết thuốc thổi vẫn tồn tại trong đời sống của họ. Bài thuốc này mỗi nơi sử dụng mỗi kiểu, nhưng chung quy vẫn giống cách thức của người Tà Ôi, Pa Kôh ở H.A Lưới. “Chúng tôi gọi đó là R’măn. Thuốc này dùng để chữa gãy xương, hóc xương… quả thật là có hiệu nghiệm”, anh Pơloong Plênh (trú xã Lăng, H.Tây Giang) kể.
Trong cuốn sách P’ra Cơ Tu (Tiếng Cơ Tu) của nhà nghiên cứu văn hóa Cơ Tu Bhríu Liếc (nguyên Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang) cũng đề cập đến R’măn. “Thực tế hiện nay khoa học chưa chứng minh được tại sao khi rắn độc cắn, người có R’măn là thổi hết. Một vài trường hợp có thể gặp may”, ông Bhríu Liếc viết. Nhưng ông Liếc cũng gợi ý, tuy khoa học chưa chứng minh nhưng nếu cộng đồng dân cư xác nhận, thực tế có người được R’măn hết bệnh (như “thổi” vết thương rắn cắn, xương mắc cổ, đứt tay đứt chân, cầm máu...) thì nên động viên đồng bào bảo tồn để cứu người.
Bác sĩ Hồ Bách Thắng, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế H.A Lưới, cho biết thuốc thổi được đồng bào dân tộc thiểu số lưu truyền từ nhiều đời nay. “Nhiều người vẫn rất tin và điều trị song song với tây y. Một số bệnh có đỡ, nên rất khó lý giải. Tuy nhiên, xét về mặt y học thì có những ca gãy xương nếu không chữa vẫn có thể sẽ tự lành. Còn trường hợp gãy xương phức tạp thì không thể không có sự can thiệp của bác sĩ. Ngoài ra, nếu thổi vào vết thương hở lại càng nghiêm trọng”, bác sĩ Thắng khuyến cáo. (còn tiếp)
Bình luận (0)