Đại sứ quán Mỹ bị mỉa mai vì dạy sai tiếng lóng của người Úc

30/09/2023 09:34 GMT+7

Đại sứ quán Mỹ tại Úc đã bị chế giễu "một cách tàn nhẫn" sau khi biên soạn danh sách khó hiểu các từ lóng của người Úc để giúp người Mỹ "nói như người địa phương".

Nước Úc được mệnh danh là "vùng đất của tiếng lóng" độc đáo, vừa đầy màu sắc vừa thường gây nhầm lẫn cho bất kỳ ai không đến từ đất nước này, theo news.com.au.

Các từ lóng như "yeah nah" (không), "nah yeah" (có), "smoko" (cigarette break - nghỉ giải lao để hút thuốc) hay "bikkie" (bánh quy)… rất phổ biến nhưng người nước ngoài vẫn thường gãi đầu khi nghe.

Đại sứ quán Mỹ tại Úc đã cố gắng hướng dẫn sự rõ ràng các từ lóng bằng cách cung cấp một số bản dịch để giúp người Mỹ "nói như người địa phương".

Đại sứ quán Mỹ bị chế giễu 'tàn nhẫn' vì dạy tiếng lóng của người Úc - Ảnh 1.

"Từ điển" tiếng lóng của Đại sứ quán Mỹ tại Úc bị cho là "quá sai"

CMH

Đại sứ quán Mỹ viết trên Twitter (nay là X): "Chúng tôi thật may mắn khi được làm việc với những người Úc đáng yêu như vậy, những người đã giúp đỡ chúng tôi về tiếng lóng. Có thể nói rằng chúng tôi đã vượt qua được khó khăn rất dễ dàng".

Nhưng danh sách của họ không hề chính xác cho lắm. Một số "tiếng lóng" mà ngay người Úc cũng không hiểu bao gồm chubbers (giày), koala log (thuốc lá), sky gator (máy bay), bogga bogga (nhà vệ sinh) và Freshie (khách du lịch).

Người Úc đã không ngần ngại bình luận, thông báo với đại sứ quán rằng chỉ một từ trong danh sách trên là đúng: bạn đời (mate).

"Từ đúng duy nhất là bạn đời, nhưng không phải lúc nào cũng có nghĩa là vậy bởi tùy ngữ cảnh", một người nhận xét.

Một người Úc khác khẳng định chưa bao giờ nghe thấy những từ như trong hướng dẫn của đại sứ quán… Nhiều người đồng thời tỏ ra khó chịu khi đại sứ quán yêu cầu cung cấp nguồn khi một nhà phê bình chỉ ra rằng bản dịch sai đến mức nào. Người này trả lời: "Nguồn? Tôi 73 tuổi rồi, là người Úc chính hiệu".

"Người Úc không phải là nguồn đủ cơ sở sao?", một người khác bức xúc. "Nguồn? Là một người Úc thôi chưa đủ là 'nguồn' à?", một người khác bồi thêm.

Đại sứ quán Mỹ bị chế giễu 'tàn nhẫn' vì dạy tiếng lóng của người Úc - Ảnh 2.

Cộng đồng mạng bực bội khi bị hỏi nguồn chính xác của các từ lóng bị cho là sai

CMH

Không ít người cho rằng, người đứng sau tài khoản mạng xã hội của đại sứ quán có thể đang "troll" vì đã cố tình xây dựng một danh sách những tiếng lóng không có thật nhằm chọc tức người Úc.

Nguồn gốc của tiếng lóng Úc xưa nay là câu chuyện không có hồi kết.

Tiếng lóng của người Úc có nguồn gốc từ nơi định cư sớm nhất của những người nói tiếng Anh ở Úc.

Trong lá thư gửi từ Sydney năm 1829, Edward Gibbon Wakefield lưu ý rằng: "Ngôn ngữ cơ bản của những 'tên trộm người Anh' đang trở thành ngôn ngữ chính thức của thuộc địa". Ý chỉ, những thành phần "bất hảo" từ Anh đã đến Úc định cư và dần hình thành một thứ ngôn ngữ tiếng Anh khác biệt.

Một lý do khác khiến tiếng lóng của Úc rất phổ biến là do những người bị kết án và người đến từ những nơi có ngôn ngữ địa phương phong phú như Ireland, Scotland và East End của London đã đến Úc định cư từ thế kỷ 19.

Theo nhà ngôn ngữ học Tony Thorne, tiếng lóng phổ biến ở Úc là do mọi người được thoát khỏi "nền văn hóa thượng lưu của Vương quốc Anh".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.