Đại sứ Úc Craig Chittick: TPP vẫn là thỏa thuận tốt nhất cho Việt Nam

10/11/2017 07:00 GMT+7

Đại sứ Craig Chittick tin rằng hội nhập kinh tế sẽ tiếp tục đem lại nhiều lợi ích cho cả Úc và Việt Nam.

Ngày 10.11, Thủ tướng Úc Malcom Turnbull đến Đà Nẵng dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Đây cũng là dịp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại nội khối cũng như quan hệ Việt – Úc. Nhân sự kiện này, Đại sứ Úc tại Việt Nam Craig Chittick chia sẻ với Thanh Niên về những thành tựu hợp tác Việt – Úc cũng như triển vọng phát triển song phương.
Thanh Niên: Ông có nhìn nhận như thế nào về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Úc trong thời gian gần đây? Ông nghĩ như thế nào về cơ hội thúc đẩy quan hệ song phương nhân việc Thủ tướng Malcom Turnbull dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Đà Nẵng?
Đại sứ Craig Chittick: Trong 10 năm qua cùng với sự phát triển kinh tế, mối quan hệ giữa Việt Nam và Úc đã thay đổi từ hình thái nhận viện trợ sang quan hệ kinh tế sâu sắc hơn. Điều này mang lợi ích đến cho cả hai quốc gia và giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra trong Báo cáo Việt Nam 2035. Đồng thời, quan hệ này cũng theo đúng các định hướng ưu tiên của Việt Nam tại APEC như thúc đẩy phát triển, tạo việc làm vì mọi người, tăng cường hội nhập trong khu vực cũng như đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nguồn nhân lực. Với Úc, mối quan hệ này góp phần vào sự thịnh vượng và an ninh quốc gia.
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác thương mại phát triển nhanh nhất trong khối ASEAN với tăng trưởng thương mại bình quân 12% hằng năm. Đây là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm cải cách trong ASEAN, các thỏa thuận tự do thương mại giúp các công ty làm ăn ở Úc và Việt Nam dễ dàng và ít tốn kém hơn. Nhưng càng quan trọng hơn là những thay đổi của kinh tế Việt Nam đã ảnh hưởng đến thương mại. Chẳng hạn như 10 năm trước, Úc hầu như không nhập điện thoại từ Việt Nam nhưng đến năm 2017, đây lại là mặt hàng nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của chúng tôi. Với Úc, xuất khẩu nông sản tăng trưởng nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam ngày càng trở nên khấm khá, muốn có sản phẩm chất lượng cao và an toàn của Úc.
Xuất khẩu nông sản không chỉ quan trọng đối với Úc mà cũng quan trọng đối với Việt Nam. Trong 3 năm qua, chúng tôi đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang Úc, cụ thể là xoài, vải và gần đây nhất là thanh long. Chỉ vài tuần trước, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất xuất khẩu thanh long sang Úc với lô hàng đầu tiên cập cảng. Thanh long chưa được biết nhiều ở Úc, nhưng tôi tin rằng trái cây này sẽ ngày càng phổ biến một khi sản phẩm từ Việt Nam lên kệ ở các siêu thị Úc.
Thanh Niên: Xin ông cho biết các vấn đề quan tâm của Úc tại Hội nghị APEC 2017? Ông nhận định như thế nào về thành tựu cũng như thách thức đối với các nền kinh tế APEC?
Đại sứ Craig Chittick: Úc luôn ủng hộ mạnh mẽ đối với APEC kể từ lúc mới bắt đầu cách đây gần 30 năm. Thật ra, chính Thủ tướng Úc Bob Hawke khi đó là người đầu tiên nêu ý tưởng về Cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương tập trung vào thương mại tự do và cởi mở. Kể từ đó, Úc đã thấy hiệu quả lớn từ các nguyên tắc phát huy tự do thương mại và hợp tác kinh tế toàn khu vực của APEC. Việt Nam cũng đã chứng kiến những thành quả và hiện là một trong những nền kinh tế hội nhập tốt nhất trên thế giới với tỷ lệ thương mại/GDP đạt khoảng 180%.
Việt Nam đã xuất sắc khi xác định các ưu tiên hàng đầu trong năm tổ chức: thúc đẩy phát triển và tạo việc làm vì mọi người, gia tăng hội nhập khu vực, tăng cường an ninh lương thực và phát triển nguồn nhân lực. Đây là những vấn đề quan trọng cho mọi nền kinh tế, không chỉ các nền kinh tế đang phát triển mà cả những nền kinh tế đã phát triển. Điều này cũng rất phù hợp với nguyên tắc cốt lõi của APEC.
Úc có những ưu tiên riêng trong bộ khung này, cụ thể là chúng tôi muốn tiếp tục giảm các rào cản thương mại và đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ. Để hỗ trợ mục tiêu này, chúng tôi đã cam kết 2 triệu AUD (34,7 tỉ đồng) giúp triển khai các cam kết theo lộ trình dịch vụ APEC được thông qua tại Peru vào năm ngoái. Điều này sẽ giúp chúng tôi đạt mục tiêu tăng trưởng thương mại dịch vụ, đồng thời dịch vụ chiếm tỷ trọng cao hơn trong thương mại nói chung.
Chúng tôi cũng sẽ theo đuổi tiến trình của Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Khu vực này là yếu tố then chốt đối với tương lai kinh tế của cả Úc và Việt Nam, đồng thời giúp giảm rào cản thương mại trong khu vực, tạo lợi ích kinh tế khổng lồ thông qua kích thích tăng trưởng đầu tư. Tiến trình thỏa thuận FTAAP cũng sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến làn sóng bảo hộ đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới.
Thanh Niên: Theo ông thì cần làm gì để phát huy tốt nhất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)? Liệu có thỏa thuận nào có khả năng phát huy tốt hơn thương mại trong khu vực hay không?
Đại sứ Craig Chittick: TPP có tiềm năng mang lại lợi ích khổng lồ đối với phát triển của các thành viên, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ hưởng lợi đến 10% GDP dưới thỏa thuận ban đầu, và các nghiên cứu cho thấy nhiều lợi ích này vẫn tiềm tàng ngay cả khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.
Dù chúng tôi thất vọng vì Mỹ rút khỏi thỏa thuận, TPP vẫn là thỏa thuận tốt nhất trên bàn đàm phán đối với Việt Nam. Quan trọng là chúng ta cần tiếp tục làm thỏa thuận này có tiến triển và các lãnh đạo có cam kết chính trị tại Đà Nẵng. Điều này không chỉ giúp giảm nguy cơ các nước có thể mất tập trung và chú ý vào các thỏa thuận khác, mà còn tạo nên thành tựu tuyệt vời đối với năm Việt Nam tổ chức APEC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.