Đại tá không quân Mỹ Matthew Strohmeyer đã thực hiện nhiều cuộc tập trận dựa trên dữ liệu bên trong Bộ Quốc phòng Mỹ trong vài năm qua, nhưng ông mới đây lần đầu tiên thử nghiệm mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để thực hiện một nhiệm vụ quân sự.
"Nó rất thành công. Nó rất nhanh", ông Strohmeye nói với Bloomberg vài giờ sau khi đưa ra những gợi ý đầu tiên về LLM. Mô hình này được huấn luyện trên một lượng lớn dữ liệu internet để giúp AI dự đoán và tạo phản ứng giống như con người cho việc hỗ trợ người dùng.
Lầu Năm Góc từ chối không cho biết LLM nào đang được thử nghiệm, dù Scale AI, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thành phố San Francisco thuộc bang Californina (Mỹ), cho biết sản phẩm Donovan mới của họ nằm trong số các nền tảng LLM đang được thử nghiệm.
Việc sử dụng LLM sẽ đại diện cho một sự thay đổi lớn đối với quân đội. Ông Strohmeyer cho hay việc gửi yêu cầu cung cấp thông tin cho một bộ phận cụ thể của quân đội có thể mất vài giờ hoặc thậm chí vài ngày để hoàn thành.
Trong khi đó, trong cuộc thử nghiệm, một trong những công cụ AI đã hoàn thành một yêu cầu chỉ trong 10 phút. "Chúng tôi đã làm điều đó với dữ liệu ở cấp độ bí mật", ông Strohmeyer tiết lộ, đồng thời cho biết thêm rằng công cụ đó có thể được quân đội triển khai trong thời gian rất gần.
Hàng chục công ty, bao gồm Palantir Technologies Inc. và Anduril Industries Inc., đang phát triển các nền tảng ra quyết định dựa trên AI cho Lầu Năm Góc.
Hiện tại, một nhóm thuộc quân đội Mỹ sẽ thử nghiệm bằng cách yêu cầu các LLM giúp lập kế hoạch ứng phó của quân đội đối với một cuộc khủng hoảng toàn cầu leo thang, bắt đầu từ quy mô nhỏ và sau đó chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận mà ông Strohmeyer đang tham gia, kéo dài đến ngày 26.7, cũng sẽ là phép thử xem liệu các quan chức quân sự Mỹ có thể sử dụng LLM để tạo ra các lựa chọn hoàn toàn mới mà họ chưa từng cân nhắc hay không.
'Ông trùm' công nghệ Elon Musk 'sợ' AI, kêu gọi làm luật quản lý
Cuộc tập trận sử dụng công cụ AI diễn ra khi các cảnh báo ngày càng gia tăng rằng AI tạo sinh có thể lặp lại thông tin không chính xác với độ tin cậy đáng kinh ngạc. AI cũng có thể bị tấn công theo nhiều cách, bao gồm cả việc đầu độc dữ liệu cung cấp cho nó.
Những lo ngại như thế là một trong những lý do khiến Lầu Năm Góc tiến hành cuộc thử nghiệm trên và họ đã thận trọng để "hiểu rõ" các nguồn thông tin, theo ông Strohmeyer. Bộ Quốc phòng Mỹ đang làm việc với các công ty bảo mật công nghệ để giúp kiểm tra và đánh giá mức độ họ có thể tin tưởng vào những hệ thống sử dụng AI.
Bình luận (0)