>> Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp ‘vắng mặt’ trong sách giáo khoa - Kỳ 2: Làm nhẹ vai trò cá nhân
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp ‘vắng mặt’ trong sách giáo khoa - Kỳ 1: Sách giáo khoa ‘bỏ quên’
Trả lời bên hành lang Quốc Hội, đại biểu Dương Trung Quốc, nhà sử học, khẳng định có một tâm thế như thói quen là khi làm sử, nhất là lịch sử hiện đại VN, rất ít nói đến cá nhân cũng như việc làm tượng cũng rất hạn chế.
|
“Điều này tôi cho rằng cần phải thay đổi đi vì thực tế vai trò cá nhân rất quan trọng trong lịch sử. Vấn đề là chúng ta tôn vinh như thế nào để vừa thấy được sự đóng góp của cá nhân, vừa thấy được nền tảng của cả một dân tộc, một quân đội… Tôi thấy rất nhiều vị tướng rất lừng danh trong lịch sử mà hiện nay chưa có tượng đài và trong SGK cũng vậy. Tất nhiên, lịch sử đương đại bao giờ cũng có những phức tạp của nó, nước nào cũng vậy thôi. Do vậy những phát hiện đó sẽ giúp cho những nhà giáo dục, nhà biên soạn sách giáo khoa điều chỉnh lại”, ông Dương Trung Quốc nói.
Theo ông, liệu có thể lý giải như thế nào về việc chương trình, SGK môn lịch sử chưa đưa Đại tướng vào nội dung giảng dạy?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Quan niệm của ông cha ta từ xưa tới nay vẫn là “cái quan định luận”, một người nằm xuống rồi mới có thể nói được hết về người đó. Lịch sử đương đại thường rất phức tạp vì nó liên quan tới những người còn sống. Cho nên chính thời gian là thứ thuốc hiển hình rõ nhất. Sự kiện Đại tướng từ trần đã làm sáng tỏ rất nhiều những giá trị và tôi nghĩ rằng sự kiện đó sẽ tác động rất mạnh và đời sống xã hội và sẽ được in dấu lại trong lịch sử.
Vậy Hội Sử học kiến nghị đưa vào chương trình SGK nội dung về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian tới không?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Việc đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015 sắp tới là cơ hội tốt để chúng ta cùng xem lại tất cả những nội dung cần thiết trong lịch sử mà chưa được đưa vào giảng dạy cho học sinh.
Tôi nói ví dụ ngay cả một số cuộc chiến tranh với Trung Quốc mà lâu nay chúng ta vẫn né tránh, mà chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần rằng phải tôn trọng lịch sử và đưa vào dạy lịch sử cho học sinh. Chúng ta nhắc tới chiến tranh để chúng ta hướng tới hòa bình. Học từ chiến tranh để hiểu hơn những bài học hòa bình chứ không phải khơi gợi những hận thù.
Do vậy, phải thay đổi dần tất cả những quan niệm đó để việc dạy học lịch sử cho học sinh có hiệu quả hơn.
Với tư cách là nhà nghiên cứu lịch sử, xin ông cho biết đánh giá của mình về vị trí của Đại tướng trong lịch sử hiện đại VN?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đương nhiên ông là một nhân vật lớn, nhưng tôi cũng nghĩ rằng chính bản thân ông cũng luôn có ý thức về việc: ông không thể tách khỏi dân tộc của mình, quân đội của mình và đặc biệt là Cụ Hồ.
Ví dụ khi người ta hỏi ông rằng: Tại sao đang là một ông giáo dạy sử mà ông lại có thể trở thành một vị tướng giỏi như vậy? Ông đã trả lời: Tốt nhất câu hỏi ấy hãy hỏi Bác Hồ, Bác Hồ là người phát hiện và giao việc cho ông. Còn ông là người đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao.
Ngoài vai trò của ông trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi còn muốn nói rằng, chúng ta đừng quên vai trò đặc biệt quan trọng của Tướng Giáp trong những đầu Cách mạng tháng Tám thành công, khi ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thời kỳ này ông là người thực sự góp phần cùng Bác Hồ kiến tạo thể chế chính trị.
Lúc đó chỉ có hai người duy nhất ký sắc lệnh của quốc gia là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông đóng góp ở rất nhiều lĩnh vực. Ở lĩnh vực dân sự, những tư tưởng của ông về kinh tế biển, về chiến lược biển; những đường lối của ông về khoa học kỹ thuật là những điều hết sức đáng trân trọng và cần suy nghĩ lại là tại sao những tư tưởng lớn và có giá trị ấy lại không được tiếp nhận?
Tuệ Nguyễn
(ghi)
>> Đại tướng!
>> TP.HCM thống nhất đặt tên đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Toàn cảnh lễ an táng Đại tướng Võ Nguyễn Giáp
>> Vì sao VTV không truyền hình trực tiếp toàn bộ lễ tang Đại tướng?
>> Video: Hàng vạn người tiễn đưa Đại tướng tại Quảng Bình
>> Đừng chỉ nhìn Đại tướng chỉ là một vị tướng...
Bình luận (0)