Gần 10% lực lượng lao động tham gia BHXH
Theo đánh giá của BHXH tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 4.2019, có 9,98% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 0,43% lực lượng lao động trong độ tuổi; 8,14% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); có 32,6% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 99% (đối với các hồ sơ theo quy định phải thực hiện giao dịch điện tử). Tổng số người dân tham gia BHYT tính đến ngày 30.4.2019 là 1.616.611 người, chiếm tỷ lệ 84,2% so với dân số của tỉnh (chỉ tiêu của Chính phủ giao cho Đắk Lắk năm 2019 là 87,3%).
Có thể thấy, nhiều địa phương trong tỉnh đã đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp, chú trọng đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện và người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Theo thống kê của BHXH tỉnh, từ khi triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW đã có thêm 2.817 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 153% so với thời điểm chưa triển khai thực hiện Nghị quyết này. Đặc biệt, có những mô hình, cách làm sáng tạo như ở xã Ea Mdoal (H.M’Đrắk) đã trích từ tiết kiệm nguồn chi thường xuyên của ngân sách xã để hỗ trợ mua BHXH tự nguyện cho đối tượng là công an viên và thôn đội trưởng của xã…
Trong những tháng đầu năm 2019, công tác thu BHXH trên địa bàn Đắk Lắk tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến hết tháng 4, toàn ngành thu được 982 tỉ đồng, đạt 31,85% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số tiền nợ phải tính lãi là 90,413 tỷ đồng, chiếm 2,93% kế hoạch thu (tỷ lệ nợ BHXH Việt Nam giao quý 2 - 2019 là 3,28%).
Cũng theo đánh giá của BHXH tỉnh, công tác xét duyệt hồ sơ hưởng các chế độ BHXH đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy trình, thủ tục hồ sơ, đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng lao động. Công tác quản lý tài chính, kế toán và tài sản được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; đảm bảo nguồn kinh phí kịp thời cho công tác chi trả các chế độ BHXH, BHYT; thực hiện cấp ứng kinh phí kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh. BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia; thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo kịp thời. Số lao động được cấp sổ BHXH tính đến ngày 30.4.2019 là 105.675 người, đạt 99,8% số người tham gia.
Ngoài ra, ngành BHXH đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời các khiếu nại, thắc mắc của người dân trong các lĩnh vực; công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, liên tục, trong đó việc thanh tra đột xuất được chú trọng…
Ông Trương Văn Sáng, Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk, nhận định sở dĩ đạt được những kết quả tích cực trên là do toàn ngành đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết 28-NQ/TW một cách nghiêm túc, sâu rộng; giúp cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nhận thức và nắm vững các quan điểm của Đảng về cải cách chính sách BHXH, có tư duy và hành động cụ thể trong việc triển khai thực hiện nghị quyết ngay tại cơ sở. Theo ông Sáng, BHXH tỉnh đã kịp thời xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tại địa phương tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành chương trình hành động của địa phương; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện nghị quyết. Ngành BHXH đã cụ thể hóa, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện vào chương trình, kế hoạch công tác của ngành ngay từ quý 4 - 2018 và năm 2019; chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa Chương trình hành động nêu trên thành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của từng đơn vị, phù hợp với điều kiện cụ thể, đảm bảo góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra.
Tiếp tục cải cách quy trình nghiệp vụ
Tuy nhiên, BHXH tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng còn những hạn chế, yếu kém trong thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đó là một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn bị động trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết; tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn còn cao; tỷ lệ người dân tham gia BHYT còn thấp so với tiềm năng và không bền vững do còn phụ thuộc vào hỗ trợ của ngân sách; công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành còn nhiều hạn chế… Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh Đắk Lắk, nhận xét: “Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH còn thấp; một mặt do nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia BHXH chưa đầy đủ; mặt khác, do công tác tuyên truyền những năm gần đây tuy đã được đẩy mạnh nhưng còn dàn trải, chưa xác định đúng đối tượng cần tập trung tuyên truyền; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội chưa thực sự quyết liệt, chưa xem đây là nhiệm vụ chính trị của mình”.
Theo ông Trương Văn Sáng, BHXH toàn dân là một trong những mục tiêu quan trọng mà cải cách BHXH hướng đến nhưng cũng đang đặt ra cho ngành BHXH nhiều thách thức lớn. Toàn ngành đang nỗ lực thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức, tuyên truyền theo hướng đa dạng, thiết thực, tiếp cận tới từng nhóm đối tượng cụ thể, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về đối tượng tham gia BHXH, BHYT... “Ngành BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, tổ chức chính sách BHXH để phục vụ người dân, người lao động, đơn vị, doanh nghiệp một cách tốt nhất, hướng tới mục tiêu tạo sự tiện lợi tối đa trong các giao dịch trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Đồng thời, tiếp tục cải cách các quy trình nghiệp vụ theo hướng tối ưu hóa và đặc biệt là thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ người dân, người lao động, đơn vị, doanh nghiệp hướng tới sự hài lòng của người dân”, ông Sáng khẳng định.
Phấn đấu 13% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH vào năm 2021
Theo chương trình của Tỉnh ủy Đắk Lắk về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, phấn đấu đến năm 2021 toàn tỉnh đạt khoảng 13% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 0,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 11% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 36% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội… Đến năm 2025 đạt khoảng 20% và năm 2030 đạt khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH…
Tỉnh ủy giao UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể cho từng địa phương, đơn vị…; trong quá trình thực hiện có kiểm tra, giám sát chặt chẽ, quyết tâm phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra. Theo đó, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các tổ chức đảng trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước xem đây là nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình, xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; định kỳ 6 tháng, năm có tổ chức sơ kết, tổng kết chương trình này.
|
Bình luận (0)