Đắk Nông đẩy mạnh nền nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao

26/12/2022 10:30 GMT+7

Xác định nông nghiệp là một trong những lĩnh vực phát triển kinh tế chính, tỉnh Đắk Nông hiện đang chú trọng nền nông nghiệp hữu cơ, đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Hồ tiêu là một trong những cây trồng theo mô hình hữu cơ lớn nhất ở tỉnh Đắk Nông

Ảnh: Châu Trúc

Những tiềm năng của nền nông nghiệp hữu cơ

Ngày 24.12, trao đổi với PV Thanh Niên, Sở NN-PTNN tỉnh Đắk Nông cho biết, tuy hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) tập trung, chỉ áp dụng ở một số doanh nghiệp, trang trại quy mô nhỏ; tuy nhiên việc sản xuất NNHC vẫn có những tiềm năng lớn để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sống bền vững.

Theo số liệu thống kê, đến nay toàn tỉnh có khoảng 10 cơ sở sản xuất đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ với tổng diện tích hơn 659 ha; sản lượng hơn 2.525 tấn. Các hợp tác xã (HTX) đã hình thành và áp dụng sản xuất NNHC, tạo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, trong số 10 cơ sở hiện được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh có tới 6 HTX tham gia.

Các sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ chủ yếu là cà phê (70 ha), hồ tiêu (492 ha), còn lại là các sản phẩm khác như rau và cây ăn trái (97,26 ha). Mặc dù rau hữu cơ đang chiếm diện tích ít (khoảng 7 ha) nhưng đã đạt được tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu - một trong những tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế.

Hiện tại việc phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ đã và đang dần hình thành tại các huyện Cư Jut, Krông Nô, Đắk Glong, với quy mô khoảng từ 500 - 2.000 con; thủy sản có một số mô hình theo hướng hữu cơ như nuôi cá lăng đuôi đỏ và cá bông lau tại H.Đắk Rlấp, nuôi cá lồng bè tại H.Đắk Glong. “Tuy nhiên vẫn tồn tại việc sử dụng thức ăn tổng hợp, hóa chất khử trùng, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nên việc chứng nhận hữu cơ còn gặp khó khăn”, đại diện Sở NN-PTNN tỉnh Đắk Nông nhìn nhận.

Việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đã từng bước thay đổi tập quán canh tác của nông dân, tiến đến sản xuất theo hướng kỹ thuật, chất lượng cao hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học được sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Theo Sở NN-PTNN tỉnh Đắk Nông, điều bất lợi của các sản phẩm NNHC là thị trường tiêu thụ nội địa chưa phát triển. Các sản phẩm hữu cơ như hồ tiêu, trái cây... chủ yếu để xuất khẩu. Để người nông dân tiếp cận với thị trường quốc tế là một thách thức lớn.

Trồng hồ tiêu thuận theo tự nhiên là xu hướng của nhiều nông dân ở H.Đắk Song (Đắk Nông)

Ảnh: Thanh Quân

Nông nghiệp công nghệ cao được đẩy mạnh

Sở NN-PTNN tỉnh Đắk Nông khẳng định trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp và dịch vụ, nền nông nghiệp của tỉnh cũng đã có những bước tiến đáng kể, chuyển dần theo hướng chất lượng cao (ứng dụng công nghệ sinh học, khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa…). Cụ thể: toàn tỉnh hiện có trên 86 nghìn ha cây trồng các loại ứng dụng một phần công nghệ cao (CNC) trong sản xuất, tổng sản lượng ước đạt 400 ngàn tấn/năm. Trong đó, có trên 26 ngàn ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ Certified, Globalgap, Organic… Bước đầu hình thành 4 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, với quy mô hơn 2.423 ha (2 vùng hồ tiêu, 1 vùng cà phê, 1 vùng lúa); đã phối hợp và tham mưu UBND tỉnh công nhận 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC...

Tỉnh Đắk Nông xác định nông nghiệp là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Vì vậy, để thúc đẩy nông nghiệp phát triển phù hợp với điều kiện của tỉnh, đáp ứng yêu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu thì ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là một điều tất yếu. Do đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2035; UBND tỉnh ban hành đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Ngoài ra, để khuyến khích, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, cũng như hỗ trợ kinh phí, cơ chế để tạo điều kiện tối đa cho nền nông nghiệp CNC phát triển trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.