Nhưng biết làm sao được, chưa bụi thì nói… chưa bụi cái đã. Cứ “hiện sinh” đi! Hãy sống cho lúc này, lúc mà Đắk Nông đang trong mát ngàn thông và xanh veo ngọn gió. Không tận hưởng bây giờ, cỡ chục năm sau, có lẽ Đắk Nông sẽ chìm trong quy hoạch “đồng phục”, kiểu như tỉnh nào cũng ngăn sông làm thủy điện, cũng có nhà máy bia, nhà máy đường, trường “đại học phổ thông”. Khi ấy, thị xã miền sơn cước sẽ tay xách nách mang đủ loại công trình, như bản sao của những thành phố miền xuôi nhung nhúc người, ồn ào, bụi bặm. Khi ấy thế hệ con cháu sẽ cùng nhau bới tìm “ADN” của Đắk Nông trên đồi cằn, núi trọc, trong lòng những dòng sông khô khát. Chừng đó thì mặc sức mà than: Bao giờ cho đến ngày xưa!
Chúng tôi, những người làm văn nghệ đến từ miền núi Ấn sông Trà, đã phải lòng thị xã Gia Nghĩa chầm chậm, bình lặng và yên ắng. Không phải lòng sao được khi phố xá mơ màng ẩn hiện giữa đại ngàn xanh thẳm. Những mái ngói tươi hồng thưa thớt, e ấp trong các vòm cây. Cơ hồ nghe được tiếng chim chao cánh, hứng được tiếng chim rơi và cầm được sợi gió tươi se lạnh. Những vệt nắng xế xuyên qua làn khói lam chiều mông lung gợi lên nhiều thi tứ và nhạc cảm. Phố Đắk Nông vòng vèo trong lãng đãng sương giăng, bất ngờ cao, bất ngờ thấp tạo cho người ta cái cảm giác bồng bềnh. Những con đường miên man xanh không làm mỏi những gót chân son, không gây... hoang mang đế giày người lữ thứ bởi con đường nào cũng thân thiện những cành thông bé nhỏ, như bàn tay chìa ra đón đợi những bàn tay. Bạn sẽ thấy người mẹ thiên nhiên hiền hòa khi gặp chú sóc nâu đang thoăn thoắt chuyền cành, những con ong rừng thản nhiên lấy mật trên lùm hoa dại.
Khác với “dãy nhiệt đới” nóng bức dưới kia, Đắk Nông luôn ôn hòa mát lạnh. Dường như trước khi vào thung lũng Đắk Nông, gió và nắng đã đi qua thác Liêng Nung mát rượi, đã tràn qua núi Nam Nung xanh ngát, đã lọc qua những cánh rừng nguyên sinh thâm trầm mùi lá mục. Vậy nên có nghệ sĩ đã “đề thơ”: “Gió Đắk Nông dìu dịu màu xanh/Nắng Đắk Nông nồng nàn sắc đỏ/Một chút nắng, vài ba sợi gió/Tôi đã ủ trong ba lô ngày về”. Bỗng nhớ ai đó khuyên rằng cứ vô tư mà mơ, vì mơ không bị đánh thuế. Thì mơ! Mơ rằng Đắk Nông đừng… toàn bộ bê tông, đừng thủy điện, đừng chưng đừng diện kiểu má mông dao kéo, làm mất đi vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc cao nguyên. Uổng lắm!
So với những “đại lượng” buồn vui, ấm lạnh, thăng trầm của đời người thì mấy ngày với Đắk Nông chỉ là nợ duyên chốc lát. Nhưng cái “chốc lát” ấy sẽ làm dịu mát tâm hồn khi nó lắng vào tâm thức. Một ngày chật hẹp, bụi bặm nào đó ở miền xuôi, ký ức sẽ mở ra khoảng trời cao nguyên sơn bao thủy bọc. Nên lòng đã dặn lòng, muốn chạm vào hồn vía Đắk Nông thì đừng ngại đi qua chập chùng, lên ghềnh xuống thác.
Cà phê trong quán vắng khi những đốm chiều vàng nhạt thắp hững hờ trên ngọn cây. Ngắm phố phường, thấy cụm từ “dòng người tấp nập” không tồn tại nơi đây. Chỉ là lưa thưa, đứt nối người và xe qua lại. Hỏi đùa cô chủ quán, ở đây chắc không kẹt xe? Câu trả lời dí dỏm: “Dạ, kẹt tiền thì có chứ không kẹt xe anh à”. Phố thật hiền nên quán xá cũng thật lành. Một khóm trúc, hơn chục chiếc ghế mây, vài giò phong lan. Và “Trịnh ca”. Vâng! Tiếng hát Khánh Ly thời con gái non trong, mát rượi như gió từ sông tràn qua phố. Rời quán, vị thơm ly cà phê Gia Nghĩa và những khúc “Trịnh ca” vấn vương đến cuối con đường.
Ngày về, trong niềm yêu thương có nỗi băn khoăn: Mai kia mốt nọ, liệu Đắk Nông có giữ mãi được cái thời chưa bụi?
Bình luận