Tính đến kịch bản khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng hoạt động
Ngày 16.2, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, một số tỉnh, thành phố trên cả nước xuất hiện tình trạng cửa hàng xăng dầu đồng loạt dừng hoạt động với lý do không đủ nguồn cung, làm ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ bị xử lý nghiêm nếu ngừng bán không có lý do chính đáng |
Minh Hải |
Ngoài ra, không loại trừ các nguyên nhân làm khan hiếm nguồn cung xăng dầu là do một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có tư tưởng đầu cơ, găm hàng để trục lợi khi dự báo giá sản phẩm xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao; các cơ quan chức năng, doanh nghiệp thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu chưa thực sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp để đảm bảo tính ổn định của thị trường xăng dầu nội địa…
Do vậy, để đảm bảo ổn định nguồn cung xăng, dầu UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, các địa phương rà soát, giám sát, kịp thời phát hiện nếu có hiện tượng hoặc nguy cơ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung sản phẩm xăng dầu trên địa bàn thì phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và thực hiện các giải pháp khắc phục, tham mưu với cấp trên.
Đáng chú ý, trong chỉ đạo lần này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Sở Công thương Thanh Hóa chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đơn vị sản xuất sản phẩm xăng dầu và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh xăng dầu chi tiết theo từng tháng, sát với tình hình thực tế, có xét tới kịch bản xấu nhất là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng sản xuất.
Trước mắt, các đơn vị thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và đơn vị sản xuất sản phẩm xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh chi tiết cho từng tháng của năm 2022.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải xây dựng kế hoạch chi tiết, sát với thực tế, có tính đến cả kịch bản xấu nhất là khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng sản xuất |
Minh Hải |
Tỉnh Thanh Hóa cũng lưu ý, trong trường hợp cần thiết để đảm bảo không xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung sản phẩm xăng dầu, Sở Công thương Thanh Hóa có thể căn cứ các quy định hiện hành và tình hình thực tế, để nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh quy định hoặc khuyến nghị mức dự trữ xăng dầu đối với các doanh nghiệp cao hơn mức dự trữ bắt buộc tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
Tước giấy phép nếu doanh nghiệp vi phạm
Song song với các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh xăng dầu, trong đó, đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp có tinh thần chấp hành pháp luật chưa cao, có dấu hiệu găm hàng nhằm trục lợi, như: giảm thời gian bán hàng, giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó, không bán hàng mà không có lý do chính đáng…
Đáng chú ý, trong quá trình xử lý các cơ sở kinh doanh xăng, dầu vi phạm, ngoài áp dụng các biện pháp xử phạt chính theo quy định, UBND tỉnh Thanh Hóa còn yêu cầu áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bằng việc tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu, giấy phép kinh doanh khí hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đồng thời đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (chủ đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn) tập trung triển khai các giải pháp theo thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan chức năng để nhanh chóng khắc phục tình trạng sụt giảm công suất; kiên quyết không để xảy ra tình trạng dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn tới nguồn cung xăng dầu nội địa; thường xuyên thông tin, báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ đến UBND tỉnh Thanh Hóa để được các cơ quan chức năng kịp thời xem xét, hỗ trợ.
Bình luận (0)