‘Điều hành sớm mà giảm giá xăng thì được, chứ tăng là bị phản ứng ngay’

Chí Hiếu
Chí Hiếu
15/02/2022 17:49 GMT+7

Đại diện Bộ Công thương cho biết khi thị trường xăng dầu nóng lên, Bộ đã tính phương án điều hành sớm để tạo nguồn cung, giảm khó cho doanh nghiệp, nhưng điều hành sớm mà tăng giá thì sẽ thiệt cho quyền lợi người dân.

Chiều nay 15.2, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã chia sẻ với báo chí xung quanh đợt khan hiếm xăng dầu vừa qua, mà nguyên do được nhiều ý kiến cho rằng có trách nhiệm điều hành của Bộ Công thương.

"Bộ đã muốn điều hành sớm"

* Ông đánh giá sao về hiện tượng DN găm hàng, khan hiếm xăng dầu vừa qua, và liệu các kiểm tra tới đây sẽ chỉ mặt đặt tên được các doanh nghiệp vi phạm?

- Ông Trần Duy Đông: Quan điểm của Bộ Công thương đã rất rõ là xử lý nghiêm các doanh nghiệp (DN) ở tất cả các khâu, từ đầu mối, phân phối đến cửa hàng nếu có hành vi găm hàng, chờ tăng giá.

Bộ trưởng lập 3 đoàn kiểm tra ở cấp Bộ, cùng với đó là ký công văn gửi UBND các tỉnh, TP để tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, phối hợp với công an, Ban 389, Quản lý thị trường…

Ông Trần Duy Đông

chí hiếu

Tất nhiên, ở góc độ DN thì mình cũng chia sẻ vì nguồn cung đứt gãy cục bộ. Giá thế giới liên tục tăng rất mạnh. DN nhập hàng về là lỗ, thậm chí chưa về kho mà lỗ khi tàu còn trê biển vì giá lên liên tục tăng từng ngày. Các DN cũng có áp lực nhất định thì ai cũng hiểu. Họ đàm phán mua khó. Nếu không phải DN lớn, có quan hệ thường xuyên với nhà cung cấp thì rất khó mua. Nên cũng thông cảm.

Đến thời điểm này, giá điều hành chưa hoàn toàn có lợi cho DN, nhưng DN cũng phải chia sẻ với các mục tiêu vĩ mô của Nhà nước lợi ích của người dân. Chúng tôi yêu cầu DN làm đúng các quy định về dự trữ, bán hàng.

Có điều, chỉ một số DN găm hàng chứ không phải đại bộ phận. Đại bộ phận DN xăng dầu vẫn làm tốt dự trữ, đảm bảo pháp luật kinh doanh xăng dầu.

Với những vi phạm, nếu đầy đủ bằng chứng, cũng nên làm mạnh để thị trường lành mạnh hơn.

Từ một số vụ như Trịnh Sướng hay vụ ở Đồng Nai, chúng tôi cũng đã nắm được một số DN, phải đào thải. Không thể có chuyện anh ký với đầu mối như Petrolimex hay PV Oil chỉ 1.000 khối rồi nhập cả nguồn không rõ để bán giá cao. Còn khi khó khăn thì đỗ cho điều hành.

* Nhưng vừa qua cho thấy DN găm hàng, ngừng bán là chủ yếu là DN quy mô nhỏ, vốn yếu. Phải chăng có nguyên do thời gian qua việc quản lý, cấp phép, giám sát chưa chặt, khiến DN nhiều về số lượng nhưng không hiệu quả?

- Con số thì không phải quá nhiều. Hiện còn 33 đầu mối, trước đó là 38 nhưng đã tước một số.

Theo quy định thì khi đủ điều kiện là được cấp phép. Khi có nhiều DN thì hệ thống phân phối đảm bảo phục vụ người dân tốt hơn. Nhưng trong quá trình hoạt động, có thể họ yếu về tài chính, bao tiêu nguồn không hợp pháp,… nếu đủ chứng cớ thì Bộ xử lý nghiêm.

Thị trường ngày càng phát triển, quy mô lớn lên nên đòi hỏi nhiều DN hơn. Nhưng tới đây, việc gia nhập thị trường, đặc biệt là hệ thống phân phối sẽ khó hơn. Ví dụ trước đây quy định của Nghị định 83 về đồng sở hữu đã được khắc phục. Nhưng phải nói trong thời gian qua nhiều DN tranh thủ để được cấp phép trước khi Nghị định 95 ra đời.

* Trong kết luận cuộc họp về vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã nói rõ trách nhiệm trong khan hiếm xăng dầu là của Bộ Công thương, ông thấy sao?

- Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ. Bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước lĩnh vực mình phụ trách là đúng, nhưng Bộ đã làm hết mức: từ chỉ đạo bổ sung nguồn, dự báo tình hình, báo cáo đề xuất phương án điều hành sớm hơn…

* Có nhiều ý kiến tập trung vào nguyên nhân là Bộ đã điều hành chậm, gây khó cho DN nên nguồn cung thiếu?

- Bộ đã bám sát tình hình. Ngày 28.1 Bộ đã có văn bản gửi Chính phủ phân tích rõ tình hình thế giới, trong nước và kiến nghị cho phép Bộ Công thương lựa chọn thời điểm điều hành phù hợp cho kỳ điều hành tới. Chúng tôi cũng đã muốn giảm áp lức bằng cách điều hành sớm, tạo nguồn tốt hơn, giảm áp lực cho DN.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cân đối nhiều mục tiêu khác là giữ ổn định giá các mặt hàng cho 100 triệu dân cả trong và sau tết. CPI tháng 1 tăng 1,94%, trong khi yếu tố giá xăng dầu lúc đó cấu thành (trong rổ tính CPI ) cao nên rất cần phải cân nhắc, để hài hoà lợi ích.

Điều hành sớm mà giảm giá thì không sao, chứ tăng sẽ gặp phản ứng ngay, dù Nghị định mới đã cho phép điều này.

Nhà máy Nghi Sơn là nguyên nhân gốc rễ

* Thực tế thì cả sau khi tăng giá vào chiều 11.2, vẫn có hiện tượng bán nhỏ giọt, cây xăng không có hàng ở một số địa phương?

- Tình hình có tốt hơn so với tuần trước, nhưng chưa hoàn toàn khắc phục được thiếu hụt cục bộ.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 35% thị phần cả nước chỉ đang hoạt động 55% công suất

PVn

Theo báo cáo của PVNDB (đơn vị phân phối sản phẩm của Nhà máy Nghi Sơn) thì tháng 2 là điểm trũng giao hàng. Đến giờ nhà máy mới vận hành mới 55% công suất. Hàng chưa bổ sung kịp thời, nên các cửa hàng vẫn có nơi thiếu hàng cục bộ.

Phải thừa nhận nguồn cung của Nhà máy Nghi Sơn gây thiếu hụt cục bộ thật vì một ông chiếm đến 35% thị phần mà giờ còn hơn 55% công suất thì sao không thiếu. Nhưng 1 - 2 tuần nữa hàng về nhiều hơn, áp lực cho DN sẽ đỡ hơn.

* Cái khó là giá thế giới tiếp tục lên cao, trong khi Quỹ bình ổn cũng đã âm tại nhiều DN lớn, điều này khiến dư địa cho điều hành không dễ. Vậy Bộ tính toán thế nào cho kỳ điều hành tới cũng như 1-2 tháng tới khi mà tình hình Nghi Sơn chưa rõ nét?

- Bộ đã tính phương án hài hoà, có cả tăng xả quỹ vì tổng thể có DN âm quỹ nhưng vẫn có DN đang dương. Nếu giả dụ giá dầu thế giới tiếp tục tăng, vượt 100 USD/thùng thì chắc chắn phải sử dụng công cụ thuế, phí vì công cụ quỹ có hạn.

Vì nếu để giá xăng dầu tăng cao có thể vô hiệu quá một số chính sách phục hồi tổng thể nền kinh tế thì phải dùng đến thuế phí. Bộ đã có kiến nghị.

Tuy nhiên, Bộ Công thương khẳng định tổng nguồn đầy đủ cho tổng cầu nền kinh tế. Chúng tôi đã tính phương án để tự chủ hơn về nguồn cung, đề phòng phương án xấu nhất của Nghi Sơn.

Cũng phải thừa nhận rằng sự việc trục trặc của Nhà máy Nghi Sơn không phải là việc nhỏ, đã làm ảnh hưởng lớn đến thị trường xăng dầu. Đó là nguyên nhân chính, khởi nguồn.

Tôi cho rằng cũng phải nói đến trách nhiệm 2 nhà máy lọc dầu. Chính phủ đã tạo điều kiện hết mức cho các anh, như Nghị định 95 cũng đã cho 2 nhà máy quyền nhập khẩu, tức quyền kinh doanh, dù anh không xây dựng hệ thống mà anh là nhà sản xuất.

Thì ngược lại, 2 nhà máy phải nâng cao trách nhiệm. Nghi Sơn là dự án đặc biệt ưu đãi, nên phải có trach nhiệm với an ninh năng lượng, với đất nước.

* Có ý kiến cho là tổng thuế phí trong một lít xăng của mình đang quá cao, 42-43% trong giá thành là từ thuế phí, ông nghĩ sao?

- Cái đó thì phải để Bộ Tài chính lên tiếng. Theo tôi biết thì báo cáo của Bộ Tài chính có so sánh với các nước và cho rằng “vừa phải, phù hợp”.

* Bộ Công thương rút ra kinh nghiệm, bài học gì sau lùm xùm của thị trường xăng dầu vừa qua?

Phải đánh giá công tâm, nhiều chiều xem điều hành như vậy ra sao. Bởi ví dụ nếu ta nhìn từ gốc độ DN thì có thể thấy chưa sát diễn biến giá thế giới. Nhưng nếu nhìn từ CPI, trong bối cảnh rất nhiều chỉ thị trước, sau tết, tức góc bình ổn thì sẽ thấy đúng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.