Thông tin chia sẻ cho biết đó là hình ảnh tại một đám cưới ở Quảng Ninh. Để tránh tập trung đông người, cô dâu và chú rể đã cho “ship” cỗ đến từng nhà, “đầy đủ” cả bàn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thanh Niên, đây mới chỉ là một nửa sự thật. Mâm cỗ cưới do chính các khách mời đến gửi phong bì và tự mang về ăn theo nhóm 10 người để tránh tập trung đông người.
Lượt khách đầu tiên vừa ăn xong, loa báo xã có F0
Bài đăng nhanh chóng nhận được hơn 10.000 lượt bấm thích và thả tim cùng hàng ngàn bình luận. Đa số các ý kiến cho rằng đây là một giải pháp trong thời điểm tiệc tùng đã chuẩn bị xong hết thì dịch diễn biến phức tạp; một số người còn tag tên bạn bè vào, gợi ý cách tổ chức tiệc trong tương lai nếu dịch vẫn còn… Nhiều tài khoản khác thì “soi” món trên mâm cỗ.
Mâm tiệc được bê về nhà để ngồi theo nhóm, đại gia đình |
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Hà Thị Hoàng (40 tuổi, họ hàng nhà chú rể) cho biết buổi tiệc được tổ chức trưa 14.11 tại nhà chú rể thôn Làng Đài, xã Đông Hải, H.Tiên Yên, Quảng Ninh. Trước đám cưới 2 - 3 tháng, tình hình dịch bệnh tại địa phương được kiểm soát tốt, không có ca nhiễm. Tối dựng rạp, anh em bà con họ hàng đã ngồi ăn chung với nhau bình thường.
Khách tới nhà chú rể bê mâm tiệc về nhà |
chụp màn hình |
Đến ngày lễ chính thức, nhà chú rể chuẩn bị 25 mâm, tương đương 250 khách mời, chia thành 2 khung giờ để khách đến dự tiệc. Theo đó, 9 giờ sáng phục vụ 15 mâm, khách mời là ông bà, cô chú lớn tuổi. “Khi lượt khách đầu tiên đã ăn uống xong đi về thì loa thôn thông báo trong xã phát hiện có ca nhiễm Covid-19 tại thôn Khe Cạn, cách khoảng 2 km. Vậy là những thanh niên trong làng nghĩ ra cách từng nhóm 10 người cử 2 người đến gửi phong bì chúc mừng cô dâu chú rể, rồi khiêng mâm cỗ về nhà thành viên gần đó để tránh tập trung đông người. Có tất cả 7 mâm được khiêng về như vậy. 3 mâm cỗ còn lại được bạn của chú rể làm nghề lái xe bỏ vào túi ni lông, mang đến gần khu vực trên rừng nơi cánh tài xế chở gỗ làm việc ăn chung với nhau. Em tôi viết là ship cỗ tận nơi nhưng không phải, các đội cử 2 thanh niên to khỏe đến đưa phong bì chúc mừng rồi khiêng về mới chính xác”, chị Hoàng kể và cho biết bằng cách này nhà chú rể đã giải quyết được hết 10 mâm cỗ.
“Chưa thấy đám cưới nào như vậy”
Theo lời chị Hoàng, trong đám cưới cô dâu chú rể vừa mừng vừa tủi vì tiệc thanh niên không có ai, mọi người vừa ăn vừa gọi chúc mừng đôi trẻ qua video call. Những người chứng kiến vừa thấy đặc biệt, vừa thấy thương.
“Cô dâu chú rể chuẩn bị xong rồi, đứng cổng chờ đón khách, mâm tiệc cũng được chuẩn bị sẵn sàng mà nhận thông tin có ca F0 là khách không đến nữa. Ăn xong rồi khách rửa sạch bát đĩa khiêng đến trả ở sân. Buổi tiệc cưới đi vào lịch sử, khách gửi mừng phong bì chất lượng”, chị Hoàng chia sẻ.
Vẫn theo chị Hoàng, cô dâu chú rể là người cùng xã, đã trải qua thời gian tìm hiểu khá lâu nhưng nhiều lần phải dời đám cưới vì vướng dịch. Đến lần này, khi thấy dịch đã ổn, hai họ quyết định tổ chức thì đúng ngày lại có thông báo từ xã. Dù là thông báo khuyên tổ chức gọn, nhẹ, không nói cụ thể số người, nhưng nghe có ca nhiễm nên mọi người chủ động không tập trung một chỗ. Để đảm bảo phòng chống dịch, khi trả lại chén đĩa, các nhóm cũng đặt gọn gàng đồ đạc ở từng góc sân.
Bạn Thùy Linh, hàng xóm với chú rể, cũng bình luận bài viết bằng tấm ảnh mâm cỗ cưới đặc biệt và cho biết đây là hình ảnh mâm cỗ được bê về nhà. “Nhà tôi cách nhà chú rể mấy chục mét, mâm cỗ được bê về và đại gia đình tôi ngồi ăn chung với nhau. Từ trước đến nay chưa bao giờ tôi thấy đám cưới nào tổ chức như vậy nên hơi bất ngờ”, Thùy Linh bày tỏ.
Ông Trần Đức Ba, Phó bí thư Đảng ủy xã Đông Hải, cho biết trong ngày 14.11, xã phát loa thông báo để phòng chống dịch, bà con hạn chế tụ tập, không giới hạn cụ thể bao nhiêu người nhưng khuyên tổ chức gọn nhẹ, thông báo áp dụng từ ngày 15.11.2021. Do đó, đám cưới tổ chức ngày 14.11 không vi phạm quy định của địa phương về phòng chống dịch.
Bình luận (0)