Chính vì điều đó, rượu cần lại càng không thể thiếu trong mấy ngày lễ Tết của đồng bào S’Tiêng đang sinh sống ở Bình Phước.
Ngọt - đắng rượu cần S’Tiêng
Đến bất cứ nhà nào của đồng bào S’Tiêng ở Bình Phước trong những ngày Tết, dễ dàng được nếm thử hương vị của rượu cần. Rượu cần có ba bộ phận liên quan: ché rượu (còn gọi là ghè rượu), nguyên liệu của rượu và cần rượu. Ghè càng cổ lại càng quý, đựng rượu càng ngon.
Già làng Điểu Griêm (Buôn Bù Tam, xã Hưng Phước, H.Bù Đốp, Bình Phước) cho biết: “Ứng với quan niệm về cuộc sống bao giờ cũng tồn tại điều cay đắng và ngọt ngào nên đồng bào S'Tiêng cũng chế biến ra hai loại rượu: Rượu cần ngọt và rượu cần đắng. Tuy khác vị nhưng nó đều cả 2 đều có tỷ lệ cồn thấp, mùi thơm nồng, tinh khiết, dễ uống…”.
Để có được những ché rượu cần ngon, người S'Tiêng phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt từ làm men, ủ bỗng, chế rượu... Men là yếu tố quan trọng, đòi hỏi người làm phải có tay nghề cao. Người ta phải vào rừng lấy vỏ cây. Vỏ cây Hmuôl mọc bên bờ suối sẽ cho men chế nên rượu cần đắng, còn vỏ cây Kraiđăng cho men chế rượu cần ngọt.
Vỏ cây lấy về thái nhỏ, phơi khô, giã thành bột mịn. Gạo cũng được chọn gạo ngon, hạt đều và mẩy, ngâm nước cho trương mềm, đem giã nhuyễn, sau đó trộn với bột vỏ cây Hmuôl hoặc vỏ cây Kraiđăng theo tỷ lệ 1 vỏ 4 (hoặc 5) gạo. Hỗn hợp khô nặn thành những quả men, xếp vào nia phủ lá chuối, ủ nơi kín gió từ 2 - 5 ngày. Đợi khi quả men được phủ bên ngoài một lớp phấn trắng, có mùi thơm, lấy lá khô đốt nhẹ lớp phấn rồi lấy dây rừng xâu lại treo lên gác bếp, chừng 1 tháng là sử dụng được.
Xong khâu làm men đến công đoạn làm cơm rượu (ủ rượu). Lấy lá cây Hmuôl (hoặc Kraiđăng) hái từ rừng về thái nhỏ, giã nát, lấy gạo trộn với lá theo tỷ lệ 2 - 1 (2 cân lá, 1 cân gạo) rồi bỏ vào ống nứa, nấu thành cơm. Cơm chín đổ ra nia sạch, dàn đều cho nguội, lấy men rượu cho vào cối giã thành bột rồi rắc lên cơm, trộn đều với tỷ lệ 1 - 1 (1 quả men, 1 cân cơm) rồi đưa hỗn hợp cơm và men vào ché để đổ nước ủ. Sau cùng, lấy lá chuối bịt miệng ghè lại để giữ được mùi thơm của rượu. Sau khi đã buộc kín miệng, các ghè rượu sẽ được xếp một dãy dài và để ở một góc nhà.
|
Đậm đà hương vị ngày Tết
Theo những già làng người S’Tiêng, uống rượu cần là một nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và người S’Tiêng nói riêng. Nhân dịp năm mới, chủ nhà thay mặt cả gia đình chúc khách sức khỏe, sống lâu và gặp nhiều may mắn. Chủ nhà còn đưa tay phải nắm lấy cần, tay trái đặt lên miệng ghè, lâm râm khấn. Khấn xong, chủ nhà trịnh trọng đưa bằng cả 2 tay cho bạn hữu, khách quý.
Uống rượu cần thường uống theo cặp đôi: chủ và khách, già với trẻ, trai với gái... nên khi nhập cuộc thường có mối giao hòa, thân thiện. Để tỏ lòng tôn kính tình cảm gia đình, bạn dùng tay vút nhẹ cần từ dưới lên trên rồi mới xin phép được uống. Lúc uống thì phải thật lòng, vì khi cùng uống, chủ nhân thường nhìn thẳng vào mặt khách, có ý xem thử có thật tình không và cũng để tỏ lòng tôn trọng, thiện cảm. Cho dù không quen uống rượu, đã ngậm cần là phải uống, đến một mức nào đó bạn có thể xin phép chủ nhân trả lại cần.
Mỗi nhà đều có một dụng cụ đo tửu lượng rất độc đáo gọi là cái kham, trông như một cái chén bằng đồng. Trên miệng ghè, chủ nhân dùng một thanh tre để làm nấc thang cho tửu lượng của từng người. Rượu uống đến đâu, nước ở miệng ghè vơi đến đó, lại tiếp tục đổ thêm nước vào và chuyển cần cho người khác. Nồng độ rượu cần không cay như độ rượu gạo, rượu nếp của người Kinh, nhưng khi đã say thì cũng không kém phần dữ dội.
Trong ngày Tết, bên ghè rượu cần của đồng bào S’Tiêng còn có những xiên thịt rừng nướng, cá sông nướng bay mùi thơm phức. Vừa uống rượu, vừa nhâm nhi miếng mồi, trò chuyện thì thật thú vị biết nhường nào.
Phước Hiệp
Bình luận (0)