“Đám đông hóa” quan họ

08/02/2012 03:10 GMT+7

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói về nguy cơ nhạc dân tộc bị “đám đông hóa”.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói về nguy cơ nhạc dân tộc bị “đám đông hóa”.

Vừa qua, kỷ lục quốc gia “Nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh nhất” đã được xác lập. Việc có hơn 3.500 người cùng hát một bài quan họ có ảnh hưởng  tới chất lượng biểu diễn không, thưa ông?

Quan họ vốn là một nghệ thuật thanh nhạc tinh tế với hệ kỹ thuật nhấn nhá nhả chữ, nảy hạt ở đẳng cấp cao trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền. Với bản chất một thể loại hát đối đáp trai gái, theo truyền thống, việc diễn xướng các làn điệu bao giờ cũng do từng cặp liền anh hay liền chị thể hiện.

Vì thế, việc người ta tổ chức một dàn đại hợp xướng khổng lồ đến hơn 2.000 người để cùng đồng ca quan họ chắc chắn là việc làm đi ngược với truyền thống, triệt tiêu mọi dáng vẻ nghệ thuật đặc sắc vốn có. Đứng ở góc độ chuyên ngành, điều đó thật phản cảm.

Việc họ cùng hát như vậy có chứng tỏ quan họ vẫn còn có sức lan tỏa mạnh không?

Việc chứng minh sức lan tỏa của quan họ bằng sức mạnh của đám đông kiểu nhà binh là một hành động khá khôi hài. Thực ra, bấy lâu nay, quan họ là một loại hình dân ca có sức lan truyền rộng khắp. Từ nửa cuối thế kỷ 20, ít nhất những làn điệu quan họ đã trở thành những tiết mục thường xuyên trên Đài tiếng nói Việt Nam. Do đó, quan họ dường như không còn xa lạ gì với nhiều cộng đồng dân cư, kể cả những tộc người thiểu số.

Ở đây, vấn đề cụ thể về sức sống của di sản cần được đặt ở một tầng bậc sâu hơn nhiều. Chúng ta nên quan tâm đến không phải là dân ca quan họ nói chung mà chính là việc phục dựng những canh hát cổ điển của những làng quan họ truyền thống.


Phiên hát quan họ lập kỷ lục ngày 5.2 - Ảnh: Vương Anh
 

Nói chuyện sức sống quan họ, nhiều người từng có “âm mưu” biến nó thành kịch chủng. Theo ông, điều đó có được không?

Về nguyên tắc nghệ thuật, một loại hình âm nhạc muốn chuyển mình thành một kịch chủng tất phải bao chứa đủ mọi thành phần âm nhạc giàu tính kịch. Nó phải có nhiều làn điệu mang tính hỷ nộ ái ố, kể cả về âm điệu cũng như mô hình tiết tấu. Còn quan họ vốn có bản chất là thể loại hát giao duyên nam nữ, tính chất âm nhạc chỉ đơn giản dừng ở dáng vẻ trữ tình. Vì thế, quan họ  không thể trở thành một kịch chủng. Trong quá khứ, chúng ta đã cố gắng xây dựng mô hình kịch dân ca quan họ nhưng không thành công.

 
Việc người ta tổ chức một dàn đại hợp xướng khổng lồ đến hơn 2.000 người để cùng đồng ca quan họ chắc chắn là việc làm đi ngược với truyền thống, triệt tiêu mọi dáng vẻ nghệ thuật đặc sắc vốn có. Đứng ở góc độ chuyên ngành, điều đó thật phản cảm

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

Ông cho rằng nên phục hồi sức sống quan họ bằng việc sâu sắc hơn là phục dựng canh hát cổ. Việc này hiện đã được thực hiện đến đâu?

Nhiều làng quan họ truyền thống ở Bắc Ninh đang vẫn cố gắng khôi phục lại hình thức diễn xướng cổ điển của quan họ. Đó là các canh hát đối đáp có lề lối tổ chức. Nhưng cái khó hiện nay là lực lượng liền anh quá thiếu vắng những người có chất giọng tốt.

Những canh hát phục cổ bấy lâu nay vẫn phải chấp nhận hình thức ghép đôi già trẻ lẫn lộn cho đủ bài, trong khi đây vốn là cuộc chơi của những người đồng thế hệ.

Lớp trẻ giờ đây thường thích đi theo mô hình ca nhạc sân khấu kiểu đoàn quan họ với phần đệm xập xình hơn là theo học lối cổ ngồi hát đối đáp từng cặp đồng giọng. Có thể họ cho lối nhạc nhẹ hóa hấp hẫn hơn, dễ kiếm tiền hơn, dễ thành nghệ sĩ hơn và đặc biệt dễ được lên ti vi.

Để phục dựng đời sống quan họ cổ ở các làng truyền thống, có rất nhiều vấn đề cần sự bảo trợ, cưu mang của một chính sách bảo tồn đúng đắn. Cái khó ở đây là chính một số nhà lãnh đạo văn hóa của tỉnh lại không nghĩ như vậy. Thậm chí, có lẽ sắp tới tỉnh sẽ đầu tư bảo tồn quan họ trong mô hình nhà hát. Thế đấy !

Ngô An
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.