Ôi, bài hát đám ma!
Đang thiu thiu ngủ, bỗng nhiên bị đánh thức bởi âm thanh của dàn “đồng ca” từ căn nhà cuối xóm vọng ra. Bước ra lan can để xem bên ấy có gì vui mà họ “hát” dữ quá! Thật bất ngờ, đó là một... đám ma, chứ chẳng phải tiệc tùng vui vẻ gì cả!
Thay quần áo để qua nhà hàng xóm chia buồn cho phải cái lễ “nghĩa tử là nghĩa tận”. Lúc này bài Ơn nghĩa sinh thành được ban nhạc cất lên, nghe đến não lòng! Trong bối cảnh “tang gia bối rối”, chẳng ai để ý những điều phiền toái nữa! Nhưng khi đến cuối bài, những người tới chia buồn không thể tin vào tai mình, những lời cuối của bài hát đáng ra là “Ai ơi hãy nhớ năm xưa, lúc tuổi còn thơ... công ai nuôi dưỡng”, đã bị ban nhạc cải biên thành “Ai ơi hãy nhớ năm xưa, lúc tuổi còn thơ... không ai bồi dưỡng”, điệp khúc này được lặp đi lặp lại những 3 lần mới chịu kết thúc. Tiếp sau đó, bài Hoa trinh nữ, có đoạn “... Khi vua kéo quân về, tình cờ gặp một giai nhân...” bị đổi thành “... Khi quân kéo vua về, tình cờ gặp một ca ve...”, hay bài hát Tóc em đuôi gà, có đoạn “... Tóc đuôi gà trong gió, như làm ngây ngất lòng anh...”, bị cải biên thành “... Tóc đuôi gà không có, em buộc... đuôi chó... làm tóc...”.
Có nhiều đám ma, không biết vì cớ gì, thường yêu cầu ban nhạc chơi những bài rất vui. Anh T.Q.Vũ, một người thổi kèn đám ma có thâm niên 5 năm, cho biết: “Nhiều đám tang rất ít người tới viếng, vì vậy đáng ra phải thổi những bài buồn, thì họ lại yêu cầu thổi bài vui nhộn để lối xóm ra xem và nghe". Một lý do nữa, theo anh Vũ: “Do nhiều người vẫn còn cái tính “con gà ghét nhau tiếng gáy”, vì vậy để chứng tỏ sự giàu có của gia đình mình, khi nhà này thuê 1 ban nhạc thì nhà kia phải thuê đến 2, 3 ban...”.
“Xiếc”... đám ma
Nói đến chuyện của những ban kèn tây, một nhóm đối tượng khác thường xuất hiện trong các đám tang để “chia buồn”, cần phải kể đến là những “ca sĩ” pêđê. Không hiểu họ đến từ đâu, nhưng hễ ở khu phố nào có nhà có tang, sau khi người quá cố nhập quan là những nhóm người này xuất hiện. Họ “hát” từ chập choạng tối cho đến mờ sáng mới thôi! Với đủ loại nhạc của các nước, từ điệu bolero cho đến cha-cha-cha... được họ chơi “tuốt tuồn tuột”!
Một lần tới thức đêm tại đám tang người thân trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Đêm đầu tiên đã thấy một nhóm gần 10 “chị” xuất hiện với trang phục còn đẹp hơn các thôn nữ chính hiệu! Ba nén hương trầm luôn là bài mở đầu của chương trình... giải buồn, rồi Lòng mẹ, Lòng mẹ 1, 2, Tình cha, Tình cha 1 và 2..., liên tục được tiếp nối bởi các giọng ca “vàng” (sau mỗi bài hát, người nghe nhét vào phong bì khoảng 5.000 - 10.000 đồng để “bo”). Cứ như vậy, khi các bài “ruột” đã diễn hết, các “chị” bắt đầu chuyển sang hát... lô tô! Kèm theo đó là những màn xiếc như múa chén, tách, đĩa; ngậm mâm bàn xoay vòng vòng; thậm chí khi không còn gì để “ngậm”, các “chị” bê nguyên chiếc xe đạp đưa lên miệng để cắn (gọi là màn cắn xe)... và múa lửa! Chứng kiến những “màn diễn” này, khách viếng đều phì cười trong khung cảnh u buồn của đám tang! Và tất nhiên nhà nào ở gần những đám tang có các “chị” đến để... “chia buồn”, cũng phải thức để mà nghe cho trọn đêm (chứ ngủ làm sao được!).
Biến tướng của nghề thổi kèn
Cũng vì yêu cầu “chẳng giống ai” của một số gia đình... trưởng giả, nên nghề thổi kèn tây phục vụ đám tang không còn đúng như ý nghĩa của nó là đưa tiễn người quá cố về thế giới bên kia. Ngoài việc... phóng tác lời bài hát một cách vô tội vạ, hầu như ban nhạc kèn tây nào cũng kèm theo... “xiếc”! Với một “nhạc trưởng” cầm cây gậy chỉ huy, tung lên không trung theo nhịp trống, một đứa trẻ khoảng 9-12 tuổi, dáng người nhỏ thó (thân hình càng nhỏ càng tốt), đầu tóc thì đủ màu sắc, ngồi trên mâm bằng gỗ. Vị “chỉ huy” dùng đầu của mình đội mâm, làm cho nó xoay vòng vòng. Ở phía trên, đứa trẻ ra sức múa may, nhảy tưng tưng để diễn “xiếc”, hoặc trèo lên hòm của người quá cố mà... gào khóc thật thảm thương, đồng thời mặc những loại trang phục mà nhìn vào chẳng biết của... triều đại nào! Sau mỗi màn trình diễn như vậy, gia chủ phải “bo” thật “đậm” để được nghe nhiều tiếng vỗ tay của “khán thính giả”.
Ts Trần Thị Kim Xuyến, Trưởng Khoa Xã hội học Trường ĐH KHXH&NV TPHCM: Cần phải thay đổi nhận thức Nhiều người muốn thông qua việc tổ chức tang lễ để bày tỏ tấm lòng và tình cảm của mình đối với người thân đã ra đi. Làm được việc này họ sẽ được thỏa mãn về tâm lý là làm yên lòng người chết, tin rằng chết vẫn chưa phải là hết, người chết vẫn có những sinh hoạt bình thường như khi còn sống. Những thủ tục rình rang bắt nguồn từ nếp sống cũ, ngày hôm nay không còn phù hợp nữa, nhưng vì chưa có một mô hình mới nên nhiều người vẫn theo một mô hình cũ. Khoảng vài thập kỷ trước, khi đời sống kinh tế còn khó khăn thì việc tổ chức ma chay cũng đơn giản, Nhưng nay kinh tế đã khá hơn nhiều rồi, người ta lại quay về với những tập tục xưa cũ. Vấn đề là phải làm thế nào để cho người dân thay đổi được nhận thức lạc hậu này. |
Theo Bằng An
(Báo Người Lao Động)
Bình luận (0)