Theo South China Morning Post (SCMP), cuộc gặp trù bị thứ ba nhằm chuẩn bị cho phiên đàm phán chính thức giữa chính quyền và sinh viên Hồng Kông vừa diễn ra tối 7.10.
Các thủ lĩnh Liên hội Sinh viên Hồng Kông và ông Lau Kong-wah, Phó ban Các vấn đề Lập pháp và Đại lục, đã thống nhất phiên đàm phán chính thức đầu tiên giữa đại diện sinh viên, và bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Chánh văn phòng đặc khu, sẽ diễn ra vào 3 giờ chiều thứ 6, ngày 10.10 (giờ Việt Nam).
Phiên đàm phán này chia làm hai phần, với chủ đề bàn thảo lần lượt là cơ sở hiến pháp, và cơ sở pháp lý của việc phát triển hiến pháp. Mỗi bên sẽ cử tối đa 5 người tham gia cuộc đàm phán. Phóng viên được phép tường thuật diễn biến cuộc gặp, tuy nhiên công chúng không được vào, SCMP cho biết.
Sinh viên Hồng Kông tham gia biểu tình. - Ảnh: Nguyễn Thành Trung |
Ở cuộc gặp trù bị trước, các sinh viên đã đạt được thỏa thuận với ông Lau Kong-wah, rằng đàm phán sẽ diễn ra thành nhiều vòng, trên cơ sở mối quan hệ bình đẳng và tôn trọng. “Chúng tôi đã nhất trí sẽ bắt đầu đàm phán trong tuần này. Chúng tôi muốn rằng đó phải là một cuộc đàm phán nghiêm túc, thay vì gặp gỡ trò chuyện hoặc khuyên nhủ”, Lester Shum, người đại diện sinh viên nói.
Các sinh viên muốn cuộc gặp chính thức với bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Chánh văn phòng đặc khu, được diễn ra tại một trường đại học, tốt nhất là Đại học Hồng Kông. Trong khi đó, phát biểu với báo chí, ông Lau Kong-wah, nói rằng, nếu người biểu tình mong muốn cải cách hệ thống bầu cử bằng cách thức hợp pháp, Hồng Kông phải chấp nhận đường lối mà cơ quan lập pháp Trung Quốc đưa ra trước đó. Quyết định chính là khởi phát của cuộc biểu tình.
Đáp lại, Lester Shum cho rằng việc chính quyền Hồng Kông khăng khăng đi theo chủ trương bầu cử trên sẽ là “trở ngại” cho cuộc đàm phán mang tính xây dựng, SCMP dẫn lời.
Phong trào Chiếm Trung Hoàn của người dân Hồng Kông nổ ra từ ngày 28.9, theo sau một tuần bãi khóa của sinh viên, để phản đối quy định của chính quyền trung ương Trung Quốc về việc bầu cử đặc khu trưởng Hồng Kông. Theo đó, một hội đồng sẽ quyết định trước 2-3 ứng viên cho chức vụ này, trước khi người dân Hồng Kông bỏ phiếu.
Hàng ngàn người, có lúc hàng vạn, đã chiếm đóng các đường phố trung tâm của Hồng Kông để phản đối quyết định này, đồng thời yêu cầu đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức. Tuy nhiên, ông Lương đã bác đề nghị này.
Phương Thảo
>> Người Hồng Kông cương quyết biểu tình đến khi 'đạt được thỏa thuận
>> Tường thuật từ Hồng Kông: Trắng đêm sôi sục ở Mong Kok
>> Chùm ảnh biểu tình ở Hồng Kông
>> Người biểu tình Hồng Kông bất chấp đe dọa của Trưởng đặc khu
>> Tường thuật từ Hồng Kông: Sinh viên mệt mỏi bám trụ
Bình luận (0)