Tròn một năm cuộc xung đột làm đảo lộn nhiều thứ, cả Nga, Ukraine và các nước bên ngoài cũng như cộng đồng quốc tế đều khẳng định muốn kết thúc nó. Thế nhưng mỗi bên lại có quan điểm khác nhau về điều kiện để chấm dứt xung đột. Bởi thế, tất cả đến nay đều mờ mịt và tương lai xung đột dường như càng khó lường hơn.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về những nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2023, Tổng thư ký Antonio Guterres đã nhấn mạnh ưu tiên bàn về cuộc xung đột ở Ukraine. Ông còn nói rằng, triển vọng hòa bình đang giảm dần, trong khi nguy cơ leo thang hơn nữa và đổ máu cứ tiếp tục gia tăng.
Ukraine luôn tuyên bố không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ trong một thỏa thuận hòa bình tương lai với Nga. Còn phía Nga, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin sẽ thỏa hiệp sau khi ông đặt cược cả sức mạnh kinh tế và chính trị vào ván bài cực lớn này. Theo các nhà phân tích, Nga cũng không loại trừ kế hoạch cho một kịch bản xung đột kéo dài.
Hơn 2 tuần sau khi chiến sự bùng nổ, vào ngày 10.3.2022, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov có cuộc gặp cấp cao đầu tiên nhưng không đạt tiến triển. Ngày 12.4.2022, Tổng thống Putin tuyên bố việc đối thoại hòa bình với Ukraine đã lâm vào ngõ cụt và chiến dịch của Nga diễn ra như kế hoạch.
Từ đó đến nay, đã có các cuộc gặp song phương, đa phương để tìm giải pháp. Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước châu Âu, Trung Quốc và nhiều bên khác lần lượt tìm cách giữ được một ghế làm trung gian hòa giải, nhưng tất cả đều không thu lại kết quả nào đột phá.
Các cuộc họp sau này của Ukraine và các nước phương Tây tập trung phần nhiều vào gây sức ép lên Nga về kinh tế và bàn về các hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Phía Nga cũng có những cuộc tập trận với đồng minh và một mối quan hệ ngày càng gắn kết với Trung Quốc.
Cùng lúc đó, trên chiến trường lại xuất hiện những ẩn số khiến xung đột ngày càng khó đoán.
Thứ nhất là việc phương Tây đang cân nhắc cung cấp một số loại vũ khí mới có tính chiến lược hơn cho Ukraine. Kyiv hối thúc các đồng minh gửi tới những vũ khí cần thiết để đối phó Nga, đặc biệt là cuộc tấn công được dự báo đang và sắp diễn ra. Trong khi đó, Nga coi hành động như vậy của phương Tây là can dự và cảnh báo nó sẽ khiến xung đột leo thang khó lường. Thứ hai, theo các nguồn tin tình báo cũng như đánh giá về chiến sự, Nga có khả năng huy động thêm quân để tiến hành chiến dịch giai đoạn mới.
Xung đột Nga – Ukraine trong năm thứ 2 có thể có các kịch bản. Thứ nhất là kéo dài dai dẳng, không bên nào chiếm ưu thế tuyệt đối – viễn cảnh có khả năng xảy ra nhất. Thứ hai là xung đột leo thang và có những biến số với hệ lụy khó lường – điều không ai mong muốn. Thứ ba là có giải pháp đình chiến thông qua đàm phán – điều được thế giới trông chờ. Và kịch bản cuối cùng, một trong hai bên giành thắng lợi.
Với những diễn biến và dự đoán này, có hai nhận định về tương lai xung đột được đưa ra nhiều nhất: một là chiến sự có thể sẽ sớm tăng nhiệt trở lại, hai là nó sẽ khó kết thúc trong năm 2023, thậm chí có thể kéo dài thêm 2-3 năm nữa.
Chưa ai dám chắc “cơn địa chấn” này bao giờ chấm dứt, nhưng chắc chắn không ai – kể cả Nga và Ukraine - muốn nó kéo dài mãi mãi bởi tất cả đều đã và đang gánh chịu nhiều tổn thất, còn thế giới thì thấp thỏm trước những thách thức ngày càng lớn và thường trực hơn.
Hòa đàm cho xung đột Ukraine khó xảy ra trong tương lai gần?
Bình luận (0)