Đám tang ở các nước

12/03/2010 10:20 GMT+7

(TNTT>) Đám tang ở Việt Nam thường có những nghi lễ khá rườm rà và ồn ào. Còn ở nước ngoài, họ tổ chức đám tang như thế nào?

Nghi lễ đám tang có từ bao giờ? Có từ ít nhất 300 ngàn năm trước đây. Những bộ xương có niên đại đó được phát hiện ở hang Shanidar (Iraq), hang Pontnewydd (Xứ Wales) có phủ một lớp phấn hoa, điều đó cho thấy người chết được chôn cùng hoa và các đồ vật.

Đa dạng sắc màu

Từ đó, nghi lễ đám tang trên thế giới được đa dạng hóa theo sự ra đời của các nền văn minh, sự phát triển của xã hội, sự phân hóa thành các dân tộc, tôn giáo. Tôn giáo đóng vai trò lớn nhất trong việc hình thành nghi lễ đám tang: nghi lễ kiểu đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Hindu, đạo Hồi... Cách thức an táng thì cũng có nhiều kiểu: địa táng, hỏa táng, kim táng, điểu táng, thiên táng, thủy táng, tượng táng, phong táng cũng dựa vào tập tục từng vùng và tôn giáo của từng dân tộc.

Ví dụ, người Tây Tạng trước đây an táng người chết theo kiểu điểu táng, nghĩa là lóc thịt từ xác người chết ra để cho chim điêu ăn. Giải thích dựa vào thiên nhiên thì vùng đất này khô cằn khó đào để chôn, cây cối cũng không nhiều để làm củi thiêu xác trong khi chim điêu thì rất sẵn. Còn giải thích dựa vào tôn giáo thì người Tây Tạng quan niệm khi xác được chim ăn vào bụng và bay đi khắp nơi như vậy thì linh hồn người chết sẽ mau chóng được siêu thoát trong không trung.

Ở vùng cao nguyên Scotland, người chết được chôn với một cái đĩa bằng gỗ đặt trên ngực, trên chiếc đĩa là một nắm muối và một nắm đất. Thân thể người chết sẽ bị phân hủy thành đất trong khi linh hồn người chết sẽ không bao giờ tan rã, như những hạt muối. Nhìn chung, mỗi tôn giáo, cộng đồng người như Tây Tạng hay Scotland đều có những cách giải thích rất phù hợp về nghi lễ đám tang của họ.

Ý kiến...

* Nhân đọc loạt bài Nghi lễ đám tang - Xem TN TT&GT từ 9.3.2010

Sợ nhất là những đám ma kéo dài cả tuần lễ, làm khổ lối xóm không chịu được. Nhà tôi lại có những 2 đứa trẻ con, mỗi lần trong xóm mà có đám ma thì y như rằng tôi phải bế con lên nhà ngoại ngủ cả tuần, nếu không thì 2 nhóc sẽ giật mình khóc liên tục trong đêm vì tiếng kèn nhạc đám ma cứ mở ầm ĩ từ sáng tới tận khuya, dỗ dành thế nào cũng không được. Đám ma là chuyện buồn, hãy để nó trôi qua nhanh chóng, lặng lẽ thì mới đúng chứ._Nguyễn Thị Kim (35 tuổi, Bình Thới, Q.11)

Tôi cũng đã từng nghĩ đến việc viết di chúc và ghi cụ thể những chuyện nên làm, không nên làm trong đám tang của mình. Vì đã từng đi những đám tang quá lố bịch rồi nên tôi cũng không muốn mình sau khi chết cũng như vậy. Thiết nghĩ, đám tang thì chỉ cần mở những bài hát nhẹ nhàng, âm lượng vừa phải trong 1-2 ngày là được rồi, mấy nghi lễ rườm rà cũng nên được lược bỏ bớt, để đỡ tốn kém cho người sống và thanh thản nhẹ nhàng cho người chết.

Trần Văn Hiếu (hieumk...@gmail.com)

Hình thức an táng phổ biến nhất là địa táng nhưng hiện nay quỹ đất ngày càng thu hẹp dần, do đó hỏa táng đang dần chiếm ưu thế. Theo thống kê, năm 2005 có 99,82% người chết ở Nhật Bản được hỏa táng ở các đài hóa thân. Với những người theo đạo Hindu ở Ấn Độ thì nguyện vọng cuối cùng trong cuộc đời là được tắm nước sông Hằng, được hỏa thiêu bên bờ sông Hằng và tro cốt sau đó được rải xuống dòng sông mẹ này. Dù vậy, hỏa táng không được ủng hộ ở mọi nơi. Người Do Thái tin rằng linh hồn của người bị hỏa thiêu vĩnh viễn không bao giờ tìm được sự yên tĩnh.

Những người tiến bộ trong việc bảo vệ môi trường gần đây đang cổ súy cho hình thức “an táng xanh”. Họ lý luận rằng trong một nghĩa trang 6 héc-ta có chứa số gỗ đóng quan tài đủ làm 60 ngôi nhà, gần 1.500 tấn kim loại làm quan tài và 30.000 tấn bê-tông xây huyệt mộ. Số lượng chất thơm, chất bảo quản thi hài trong nghĩa trang này dồn lại được một bể bơi lớn và đó là những hóa chất gây hại cho đất, nguồn nước. Do đó, họ đề xuất “an táng xanh” với quan tài bằng giấy cạc-tông cùng vải liệm có thể phân hủy được nhằm bảo vệ hệ sinh thái và tránh lãng phí.

Trong thời đại này, người phương Tây thường khoán nghi lễ đám tang  của thân nhân họ cho một công ty tổ chức tang lễ chuyên nghiệp. Các nghi lễ này được làm rất bài bản, có nhạc, có thiệp, có màn hình để chiếu ảnh hay video lúc sinh thời của người quá cố. Những người ở xa không dự được đám tang thân hữu của họ thì có thể gửi thiệp chia buồn đến thân quyến người quá cố, có cả những công ty chuyên viết thiệp hoặc điếu văn. Tại một nhà tang lễ ở New York gần đây còn áp dụng công nghệ internet để cho những người ở xa viếng “live” thân hữu của họ.

Ngành ăn nên làm ra

Trên thế giới mỗi năm có khoảng 50 triệu người chết vì những lý do khác nhau, sang hay hèn thì hầu hết đều muốn có một nghi thức tang lễ. Vì thế, ngành công nghiệp tổ chức tang lễ ở nhiều nước là ngành rất ăn nên làm ra. Ở nhiều nước, các nghiệp đoàn tổ chức tang lễ hằng năm trao các giải thưởng cho những công ty phục vụ chu đáo nhất, cho những sáng kiến mới. Từ năm 1999, Hiệp hội tang lễ quốc tế IFA bắt đầu trao giải thưởng thường niên của họ ở nhiều hạng mục khác nhau.

Công ty tang lễ lớn nhất thế giới có lẽ là Service Corporation International (SCI) có trụ sở chính ở Houston (bang Texas, Mỹ), ra đời năm 1968. Cách đây 10 năm, họ đã sở hữu 3.823 nhà tang lễ, 525 nghĩa địa, 198 đài hóa thân ở 20 quốc gia trên 5 lục địa. Năm 2006, SCI bỏ tiền sáp nhập đối thủ cạnh tranh của họ ở Mỹ là Alderwoods Group. Hiện nay, SCI có gần 15.000 nhân viên, doanh thu hằng năm gần 2,5 tỷ USD. Cổ phiếu của SCI hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán New York.

Cách tổ chức tang lễ chuyên môn hóa này đang lan rộng ra khắp thế giới. Tất nhiên, vẫn có những nơi từ chối nó, như nhiều nước ở châu Phi chẳng hạn. Tại Kenya, 55-70% dân số kiếm dưới 1 USD/ngày nhưng họ tổ chức đám tang cho người chết kéo dài đến 5 ngày. Trong những ngày đó, gia quyến phải mổ dê, cừu đãi khách. Mỗi đám tang là một gia đình khánh kiệt, ngập trong nợ nần có khi cả đời chưa trả hết. Đó là một trong những nguyên nhân khiến châu Phi nghèo vẫn hoàn nghèo. (Nguồn: creative-funeral-ideals.com)

Những đám tang đáng nhớ

Đám tang tốn nhiều sinh mạng nhất: Khó có ai vượt qua Tần Thủy Hoàng, hoàng đế nổi tiếng của Trung Hoa. Theo Sử ký, con của Tần Thủy Hoàng là Nhị thế hoàng đế đã đem tất cả những người trong hậu cung không có con đem chôn cùng Tần Thủy Hoàng (số người này phải vài nghìn vì mỹ nữ của cả 6 nước bại trận thời Chiến quốc đều bị Tần Thủy Hoàng đem về cung). Ngoài ra, rất nhiều thợ xây lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng bị chôn sống để giữ bí mật.


Đám tang đông người đưa tiễn nhất: Theo kỷ lục Guinness, đám tang của Conjeevaram Natarajan Annadurai, người đứng đầu bang Tamil Nadu (Ấn Độ) có nhiều người đưa tiễn nhất với con số15 triệu người. Annadurai qua đời ngày 3.2.1969, thời điểm mà truyền hình chưa phát triển.

Đám tang có người dự đông thứ hai là của giáo chủ Iran, Ayatollah Khomeini với khoảng 12 triệu người. Khomeini qua đời ngày 3.6.1989, ông đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Hồi giáo của Iran vào năm 1979 và là người lãnh đạo tối cao của Iran về cả thần quyền và thế quyền cho đến khi qua đời.

Đám tang của Giáo hoàng John Paul 2 có 4 triệu người đổ về Rome và Vatican cầu nguyện chia buồn (ảnh). Đó là con số khổng lồ cho quốc gia nhỏ nhất thế giới này. Ngoài ra còn có 8,8 triệu người theo dõi trực tiếp qua truyền hình.

Umm Kulthum là người phụ nữ có đám tang đông người dự nhất. Ngày 5.2.1975, có hơn 4 triệu người đổ về Cairo tiễn đưa ca sĩ, diễn viên và nhà soạn nhạc tài hoa này. Cho đến giờ, Umm Kulthum vẫn được coi là ca sĩ xuất sắc nhất thế giới Ả Rập. Tiếp đó là đám tang của công nương Diana (6.9.1997) với hơn 3 triệu người đưa tiễn.

Đám tang có người theo dõi nhiều nhất là của danh ca huyền thoại Michael Jackson (7.7.2009). Chỉ có gần 2 vạn người đưa tiễn nhưng lượng người theo dõi trực tiếp qua truyền hình lại đạt con số khổng lồ 2,5 - 3 tỷ người.

Hồ Khuê

Trí Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.