Đàm Vĩnh Hưng là một hiện tượng của nhạc Việt và “hiên ngang” tồn tại trong showbiz đầy sóng gió, khi hàng loạt ca sĩ cùng thời đã chấp nhận mai một vầng hào quang của mình.
* Tại sao anh lại dùng hai chữ “Số phận” làm tên cho liveshow kỷ niệm 15 năm ca hát?
- Câu chuyện bắt đầu từ một tay thợ làm tóc, người đã bước vào con đường nghệ thuật với nhiệm vụ đầu tiên là ca sĩ chuyên ngồi chờ tại các tụ điểm để được hát lót cho các ca sĩ đủ loại hạng. Anh ta đã ngồi yên như thế chờ đợi, kiên nhẫn từng đêm sau cánh gà sân khấu để đến một ngày…
Số phận là một cái gì đó có sức mạnh khủng khiếp lắm, tôi nghĩ số phận gần như nắm toàn bộ quyền quyết định mọi việc. Nó không bao giờ cho tôi biết trước điều gì mà chủ động dẫn đưa rồi đặt tôi vào những tình huống mà nó muốn.
Thành thật mà nói, đôi lúc cũng có nhiều điều làm tôi tức tối, bực bội và mệt mỏi. Đó cũng là lúc cái máu muốn “cải số” trong tôi lại nổi lên. Thế là tôi dùng mọi quan hệ, khả năng, tư duy... để thay đổi những điều không như ý. Cũng có khi tôi làm được điều đó, thậm chí còn giúp được người khác thay đổi số phận họ. Điều tôi biết ơn nhất ở số phận là đã đưa tôi đến với người tình âm nhạc, để chúng tôi có nhau đến tận bây giờ. Nói cách khác, liveshow “Số phận” là kỷ niệm lớn cho cuộc tình giữa tôi và khán giả.
* Nổi tiếng về các chiêu trò, liveshow mang ý nghĩa đánh dấu sự nghiệp của anh có gì đặc biệt?
Tổ nghề đều nhìn thấy hết những chuyện gian dối. Những người cực khổ, vất vả thì Tổ sẽ ban cho vinh quang còn với kẻ lười thì họ chẳng cho đâu.
Đàm Vĩnh Hưng
- Tôi từ chối và trốn báo chí suốt 6 tháng qua. Tôi muốn lắng và dành sự nổi bật xứng đáng cho liveshow của mình. “Số phận” có 3 phần. Ở chương đầu, tôi xuất hiện trong bộ trang phục đế vương có 40 ca sĩ hát bè và 30 vận động viên thể hình trong trang phục La Mã tay cầm đuốc.
Chương hai mang tên “Quá khứ và Hoài niệm”. Một con sông được dựng lên sân khấu với bối cảnh phố cổ, cầu tre, những cô gái đội nón lá chèo thuyền trên sông, phố chợ náo nhiệt và một đám cưới hoành tráng với cô dâu là Cẩm Ly. Tình yêu và bi kịch, hạnh phúc và khổ đau được tái dựng ở chương này với những bản nhạc tình: Cây đàn bỏ quên, Biết nói gì đây, Nếu chúng mình cách trở, Không bao giờ quên anh, Dấu chân kỷ niệm, Con đường mang tên em và Nhật ký đời tôi.
Chương cuối cùng mang tên “Những mảng màu mới” gồm những ca khúc: Tuổi hồng thơ ngây, Góc khuất, Trốn tránh kỷ niệm, Đợi em trong mơ, Unbreak my heart, Khoảng cách…, nói lên con đường hiện tại mà tôi đi. Ngoài ra, khán giả sẽ choáng với màn ảo thuật khi Dương Triệu Vũ toàn thân bốc cháy, 500 con bướm bay rợp sân khấu. Quan trọng hơn chiêu trò tất nhiên vẫn là giọng hát.
* Xuất hiện trong bộ trang phục đế vương mang phong cách Napoléon Bonaparte, người ta nói anh quá kiêu ngạo khi ngấm ngầm tự nhận mình là ông hoàng nhạc Việt. Anh giải thích ra sao?
- Chiếc áo choàng đỏ tượng trưng cho sự bảo vệ, yêu thương mà khán giả dành cho tôi. Tôi nâng niu, chắt chiu từng sợi yêu thương để tấm áo đó ngày càng dày hơn, rộng hơn, ôm lấy cuộc đời tôi, theo tôi đi khắp nơi chinh chiến. Số phận và “ngai vàng” của Đàm Vĩnh Hưng do khán giả định đoạt.
Tôi đâu còn ở cái tuổi 17, 18 tuổi. 41 tuổi rồi, tôi không ở trạng thái bay hay hoang tưởng và thiếu vốn sống tới mức nhảy dựng lên trước mỗi câu châm chích của dư luận. 15 năm với nghề, tôi bươn chải đủ hết rồi... Tôi là người có nhiều tin đồn nhất showbiz. Tôi chẳng hơi đâu mà đi giải thích với từng người. Tôi chỉ dành sức cho khán giả, chính vì vậy mà tôi mới tồn tại được 15 năm đấy.
* 15 năm không phải chặng dài của đời người nhưng là một mốc lớn với nghề ca hát bởi nghệ thuật vốn nổi tiếng là bạc. Anh dự đoán con đường của mình còn lại bao lâu?
- Cái này khó nói lắm. Ngày trước thì tôi dám đoán mình sẽ còn hấp dẫn khi 40 tuổi và tôi đã làm được. Nhưng bây giờ, tôi chỉ dám xin hát được tới 45 tuổi thôi. Nếu lúc đó còn “ngon” thì lại xin tiếp.
Bạn thấy đấy, 41 tuổi mà đêm nào tôi cũng hát live. Tôi ghét những người lip-sync lắm. Tôi không hiểu sao nhiều người hát tốt lắm, hay lắm nhưng vẫn thích lip-sync. Ca sĩ là nghề đơn giản nhất, được ăn mặc đẹp, đứng dưới ánh đèn rực rỡ và bao nhiêu người vỗ tay cổ súy mà còn lười thì kỳ quá. Nhưng tôi duy tâm là Tổ nghề đều nhìn thấy hết những chuyện gian dối. Những người cực khổ, vất vả thì Tổ sẽ ban cho vinh quang còn với kẻ lười thì họ chẳng cho đâu.
Bình luận (0)