Dân Ấn Độ bôi phân bò lên người chữa Covid-19

11/05/2021 12:40 GMT+7

Giới bác sĩ Ấn Độ cảnh báo người dân không nên tin vào cái gọi là “liệu pháp phân bò” có thể chữa bệnh Covid-19 , vì hoàn toàn phi khoa học và thậm chí khiến họ đối mặt nguy cơ nhiễm những căn bệnh khác.

Tại bang Gujarat ở miền tây Ấn Độ, một số người đã nhờ cậy “liệu pháp phân bò”. Theo đó, mỗi tuần một lần họ lại đến chuồng bò, bôi chất thải của chúng lên khắp người với hy vọng có thể tăng sức đề kháng của cơ thể trước bệnh Covid-19. Thậm chí có người còn tin đây là biện pháp giúp trị hết căn bệnh này.

Người Ấn Độ bôi phân bò lên người để xua đuổi Covid- 19

Theo đạo Hindu, bò là biểu tượng linh thiêng của sự sống và đất mẹ. Nhiều thế kỷ qua, các tín đồ Hindu dùng phân bò tẩy rửa nhà cửa và sử dụng trong các nghi lễ cúng bái vì cho rằng phân bò có năng lực tẩy trùng và trị liệu.
“Thậm chí các bác sĩ cũng đến đây. Họ nghĩ liệu pháp trên cải thiện sức đề kháng, mang đến sự bảo vệ cần thiết để họ có thể điều trị những bệnh nhân khác”, theo Reuters dẫn lời ông Gautam Manilal Borisa, trợ lý giám đốc một công ty dược. Bản thân ông cũng khẳng định tắm phân bò giúp mình khỏi bệnh Covid-19 hồi năm ngoái (?!).

Các nhà khoa học và bác sĩ cố gắng thuyết phục người dân từ bỏ liệu pháp không có căn cứ khoa học

Reuters

Trường Shree Swaminarayan Gurukul Vishwavidya Pratishthanam là một trong những địa điểm mở cửa cho những ai tin vào “liệu pháp phân bò”. Trong khi chờ hỗn hợp chất thải trên người khô, những người đến đây thực hành yoga. Sau đó, họ dùng sữa bò hoặc sữa lên men tẩy sạch phân bò trên người.
Thế nhưng giới bác sĩ và các nhà khoa học Ấn Độ cũng như trên thế giới liên tục cảnh báo không nên áp dụng liệu pháp trên trong việc điều trị và phòng chống Covid-19, vì không có bằng chứng khoa học nào cho thấy sự hiệu nghiệm của phân bò trong chữa trị bệnh tật.
Dịch Covid-19 đang gieo rắc sự kinh hoàng tại Ấn Độ, với hơn 22,66 triệu ca Covid-19 với 246.116 trường hợp tử vong tính đến sáng 11.5, theo Reuters.
Tuy nhiên, giới chức y tế cho rằng con số trên thực tế phải hơn gấp từ 5 đến 10 lần, và người dân trên toàn quốc đang chật vật tìm kiếm giường bệnh, ô xy y tế, thuốc men, khiến nhiều người thiệt mạng vì không được chữa trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.