(TNO) Nếu Thủ tướng Anh David Cameron tái đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 7.5, nước Anh sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm 2017 quyết định London sẽ rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không. Việc Anh tách khỏi EU có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực trong liên minh 28 quốc gia này.
Bầu cử ở Anh có thể ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị trong khối EU - Ảnh: AFP
|
Trong ngày 7.5, người dân Anh sẽ đi bỏ phiếu bầu cử. Các điểm bỏ phiếu mở cửa từ 7 giờ sáng (tức 13 giờ cùng ngày, giờ VN) và đóng cửa lúc 22 giờ ngày 7.5 (tức 3 giờ sáng 8.5 theo giờ VN) với kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố ngay lập tức, và kết quả cuối cùng dự kiến công bố trong ngày 8.5, theo AFP.
Người dân Anh sẽ bỏ phiếu tại 50.000 điểm bỏ phiếu ở khắp nước này, bao gồm một số địa điểm bất thường như quán rượu, garage, xe lưu động…
Theo AFP, cuộc bầu cử ngày 7.5 được đánh giá là “khó dự đoán” và có khả năng không có đảng nào giành chiến thắng tuyệt đối, dẫn đến phải thương lượng để thiết lập chính phủ liên minh mới. Hiện ông Cameron đứng đầu Chính phủ liên minh giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do.
Các cuộc khảo sát gần đây của BBC cho thấy Đảng Bảo thủ chiếm ưu thế với 34% dân Anh ủng hộ, theo sau là Công đảng (33%) và Đảng Dân chủ Tự do chỉ 8%.
Mặc dù các chính trị gia quan tâm việc Anh có nên rời khỏi EU hay không, nhưng vấn đề EU chỉ là một phần nhỏ trong các cuộc vận động tranh cử, bởi cử tri quan tâm nhiều hơn về vấn đề kinh tế, y tế và giáo dục khi quyết định bỏ phiếu, theo The New York Times.
Ông Cameron hồi tháng 1.2013 từng hứa hẹn tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm 2017 nếu Đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, theo The New York Times (Mỹ) ngày 6.5. Nước Anh từng lánh xa sự hội nhập châu Âu trong thập niên 1950, nhưng sau đó London đã thay đổi ý định, cuối cùng gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) - tiền thân của EU vào năm 1973. Đến nay chưa có quốc gia nào rời khỏi EU, theo The New York Times.
Vào năm 1975, chính quyển Thủ tướng Harold Wilson (Công đảng) từng tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EEC. Và kết quả là 67,2% dân Anh ủng hộ Anh tiếp tục là thành viên EEC.
Nhưng Anh là một thành viên khó tính, không dùng đồng euro, đồng tiền chung của EU, để làm tiền tệ của nước này và thường bất đồng với cách điều hành của EU trong nhiều vấn đề.
Các nước thành viên EU lo ngại về cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, quốc gia được nhiều nước xem là một phần trung tâm của EU, theo nhận định của ông Guntram B. Wolff, giám đốc Viện nghiên cứu Bruegel ở Bỉ. “Các nước EU đánh giá việc Anh rút khỏi EU sẽ là một sự mất mát về kinh tế, chính trị và địa chính trị”, ông Wolff cho hay.
Sự ra đi của Anh sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong nội bộ EU. Việc Anh rút khỏi EU có khả năng khuyến khích các đảng chính trị của các nước thành viên EU quay lưng lại với EU, theo The New York Times.
Hy Lạp đang trong tình trạng bấp bênh trước bờ vực vỡ nợ, kích ngòi làn sóng tranh luận liệu nước này sẽ thoát nguy cơ vỡ nợ nếu rút khỏi Eurozone (Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu).
Ở Pháp, Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia cũng muốn thoát khỏi Eurozone, và nhiều đảng chính trị chống EU được hình thành ở vài nước thành viên EU như Hà Lan, thành viên năng động, tích cực nhất của EU kể từ lúc mới thành lập. Thậm chí Đức cũng có đảng bảo thủ Alternative für Deutschland mới lập 2013 đang dần lớn mạnh, nhận được nhiều sự ủng hộ vì đảng này phản đối dùng đồng euro.
Các cuộc thăm dò dư luận tại Anh hiện đưa ra những kết quả trái ngược về việc dân Anh có ủng hộ tách khỏi EU hay không.
Nhưng Cao uỷ phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini ngày 7.5 dự đoán Anh sẽ không rút khỏi EU, đồng thời mô tả cuộc bầu cử ở Anh là “một viễn cảnh khó dự đoán nhất”.
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trước những người ủng hộ Đảng Bảo thủ ngày 6.5 - Ảnh: Reuters
|
Bình luận (0)