Bắt đầu từ chân con suối này, xe máy sẽ không leo lên được nữa. Nghĩa là phải đi bộ, khoảng ba, hay bốn cây số thôi. Nơi Hy sống không heo hút bất tử như những trường hợp được đưa vào phóng sự báo chí về những vùng miền xa xôi. Kỳ thực, đây là lần đầu tôi đến thăm Hy. Ba năm trước Hy vào vùng này tham gia một dự án trồng lê. Anh mê lê, loài cây có hoa màu trắng, thường là nở vào mùa xuân. Tháng ba, hoa lê còn ấp màu trắng tinh khôi lên những mái nhà sàn ẩn lút trong sương mù bất chợt.
Khoảng rừng trước mặt ngan ngát xanh. Tôi nhớ có một ông già nói Tây bắc đẹp nhất vào mùa thu. Mùa thu, khắp núi rừng sông suối, cây cối phủ màu xanh veo, không nhuốm một chút sắc vàng, sắc đỏ. Mùa thu vàng dường như chỉ đúng với nơi nào đó, với ai đó. Mùa thu Tây bắc xanh trong khiến người ta xúc động vô ngần. Xanh quá, đẹp quá, lặng lẽ quá. Nhưng ngoài mùa thu xanh, mùa xuân Tây bắc chính là mùa hoa đẹp. Đó lại là vẻ đẹp trinh khiết của những loài hoa màu trắng.
Thiên nhiên của ngày xưa đẹp. Cái đẹp bắt nguồn từ rất xưa, khi có những triền đồi, thung lũng mênh mông, vì một ngẫu nhiên hay cố ý sắp đặt, chỉ thuộc về một loài cây, loài hoa rừng nào đó. Những rừng mận, mơ không ai trồng, được thiên nhiên gieo cấy đã thấm đẫm hơi đá núi, hơi nước của những dòng sông lớn, những dòng suối trong, gió núi mây ngàn... mà đơm hoa kết trái. Ông già nói ông vô cùng xúc động không phải vì mận rừng bát ngát vô chủ mà vì vẻ đẹp của hoa mận. Mỗi người yêu hoa đều có lý do hay không có lý do nào cả nhưng quan trọng vẫn là cảm nhận của riêng họ về loài hoa ấy. Hoa mận có vẻ đẹp khiến ông cảm động. Nó chứa đựng một sự tinh khiết dung dị mà không sao có thể tách nghĩa rạch ròi.
Tôi hình dung ông, người lính trẻ đang cưỡi ngựa thong dong khắp các sườn đồi, thung lũng, dòng suối, bản làng Tây bắc. Người lính ấy xúc động ghìm cương ngựa, nghĩ về ngày mai, ngày mai...
Bây giờ, trong gió xuân của núi rừng, một mùi hương nhẹ của một loài cây thơm đang ẩn mình đâu đó trong ngan ngát rừng xanh kia. Tôi sẽ gặp Hy trong khoảng một giờ nữa. Người ta nói chắc chắn Hy còn ở đó, dù ba năm nay anh không hề liên hệ với bên ngoài bằng điện thoại hay thư từ gì hết.
Vì sao tôi lại đang tìm Hy giữa trập trùng xanh thẳm này?
***
Lúc Hy gọi, tôi đang đứng trên một đồi chè miền trung du.
“Có chuyện gì vậy?” - Tôi hờ hững.
“Vợ anh đòi ly dị”. - Hy trả lời, giọng trầm trầm, không rõ có phải vì buồn.
“Anh trả lời sao?”.
“Anh đồng ý, nhưng anh sẽ nuôi con.”
Tôi kéo lê cảm giác bải hoải chán chường xuống chân đồi, một vạt cúc mặt trời mọc hoang đang nở vàng rực. Hy lại gọi:
“Em về Hà Nội được không? Anh hoang mang quá.”
Hai năm sau cuộc chia tay với Hy, dù còn nhớ Hy tha thiết, và thậm chí đã kết hôn, tôi mới đủ can đảm để chấp nhận một sự thật rằng tôi và Hy chia tay là đúng đắn. Cuộc tình ấy nếu kéo dài chỉ khiến hai người thêm tổn thương. Chúng tôi khác nhau nhiều quá. Hy bảo tôi là người không có tham vọng, phụ nữ không mê trang sức thì không có dã tâm. Không có dã tâm thì không làm được việc lớn, dễ bằng lòng với cuộc sống. Hy cần có cuộc sống khác với hiện tại. Ngày ấy, chúng tôi ai cũng nghèo.
Hôm đó, tôi về đến Hà Nội thì trời đổ mưa. Mưa bão, Hy đang ở nhà, có vẻ như vừa ngủ dậy sau một chuỗi ngày chìm trong bia rượu và chán nản. Bằng chứng là một đống vỏ bia lon vẫn nằm trong chiếc sọt rác xó nhà, mấy con ruồi vo ve đậu xuống lại bay lên.
“Anh đau khổ đến thế kia à?”
Tôi mai mỉa mà lấy chân đá vào cái sọt rác. Trong sọt, không chỉ vỏ lon bia, mà bức ảnh cưới của vợ chồng Hy cũng bị lũ ruồi bu.
“Không. Anh đang chán, vì cô ta không chịu để con cho anh nuôi. Anh chẳng biết làm thế nào”.
Tôi lấy chiếc lược màu hổ phách chải mái tóc rối bù của Hy, như ngày yêu nhau tôi vẫn làm. Hy yên lặng để những ngón tay tôi vuốt nhẹ lên mái tóc đã pha nhiều sợi bạc. Tóc chúng tôi đều bạc nhiều hơn những người cùng độ tuổi.
Ngôi nhà của vợ chồng Hy vừa mới được xây xong, gần như đã hoàn thiện, chỉ duy có cầu thang kéo từ tầng trệt lên tầng ba là chưa lắp tay vịn, nhìn nó cứ hun hút đầy bất trắc. Hy bảo gã chủ thầu công trình không chịu lắp tay vịn, dù cả tỉ lần Hy giục. Và chính vì cầu thang chưa có tay vịn đó mà nếu thiếu bản lĩnh, Hy có thể đã rơi từ tầng hai xuống tầng trệt và chuyển hộ khẩu xuống suối vàng khi đẩy cánh cửa khép hờ, thấy vợ mình đang chơi trò chồng vợ cuồng nhiệt với chính tên chủ thầu ngôi nhà. Không đầy một tuần sau vợ Hy đệ đơn ly dị, và dường như, cô ta đã chuẩn bị cho việc đó từ rất lâu rồi.
“Chị biết đấy, sau khi sinh bé Bom, bác sĩ bảo em không thể sinh thêm con nữa. Ly hôn, Hy có thể cưới vợ mới và sinh con; còn em, nếu mất bé Bom, em sẽ không còn gì nữa”.
Tôi đến gặp vợ Hy với vai trò “thuyết khách”, nhưng tôi không nhìn cô ta. Nói cho đúng, tôi nhìn cô ta mà không để tâm. Tôi nhìn những ngón tay đặt trên bàn của mình, ngoan ngoãn, hiền lành. Người ta bảo vợ Hy đeo nhiều trang sức đến nỗi nếu gỡ bỏ tất cả chúng ra, thì cô ta chẳng còn một mảy may giá trị. Hy cưới cô ta cũng vì những thứ lấp lánh ấy.
Tôi chưa bao giờ mang một thứ gì lấp lánh trên người, dù chúng được các nhà thời trang đính lên trang phục một cách có chủ ý. Những ngón tay của tôi không đeo nhẫn, cổ, tai và tay tôi không đeo bất cứ một thứ trang sức nào khác. Đôi khi tôi tự hỏi, điều gì ở những tiệm kim hoàn chưa bao giờ khiến tôi quan tâm, ngay cả khi tôi đã có nhiều tiền từ cuộc hôn nhân mà ban đầu tôi cứ ngỡ mình đã yêu, đã quên vết thương lòng?
Bất cứ lý do ngoại tình nào cũng khiến những người làm chồng, làm vợ bị tổn thương. Cái cảm giác khinh bỉ như độc dược, mỗi ngày một ngấm sâu vào trái tim, nó hủy hoại Hy. Và, trên tất cả, nó muốn trả thù. Hy không thể để vợ nuôi đứa trẻ, đơn giản là Hy yêu cậu bé, và cũng vì Hy muốn cô ta chết dần chết mòn trong cô độc.
Cuộc chiến giành quyền nuôi con của vợ chồng Hy hóa ra dữ dội và quyết liệt hơn chúng tôi tưởng. Bên nào cũng có lý do chính đáng để đòi chiến thắng. Ba tháng trôi qua, Hy tàn tạ như một tử tù trước ngày ra pháp trường. Tôi không ngờ là mình lại có thể nói:
“Thôi, anh bỏ đi, anh sẽ lấy vợ mới, sẽ có con mà”.
“Khốn kiếp. Em mà cũng nói thế à?”.
Hy gầm lên. Mắt đỏ đòng đọc. Tôi lặng người đi, cảm thấy lòng tự ái bị giội một gáo nước lạnh.
Nhưng chính lúc tôi muốn bỏ đi, quên phứt Hy cùng nỗi khổ vợ con của anh ta, thì Hy níu tôi lại:
“Anh nghĩ nhiều lắm rồi, giờ chỉ còn một cách thôi. Em thử xem, có thể...”.
Người đàn bà này từ đầu đã không xuất hiện trong câu chuyện của chúng tôi, vợ chồng Hy, người tình của vợ Hy, con trai Hy, và tôi, một thời là người yêu của Hy. Nhưng đến giờ, bà ấy xuất hiện, với một vai trò quan trọng.
Người đàn bà có vẻ hiền lành. Nghe nói khi còn trẻ bà cũng từng trải qua nhiều tháng năm đau khổ, một mình nuôi vợ Hy ăn học, vì ông chồng quanh năm bồ bịch, yêu đương nhăng nhít. Nhẹ nhàng cầm tay con rể, bà ta nghẹn ngào:
“Mẹ làm thế này là có tội với con gái mẹ.
Ai đời...”.
***
Con đường nhỏ chỉ vừa một chiếc xe máy đi khéo được người ta đẽo ngang những ngọn núi. Nhìn xuống bên dưới, những nóc nhà của một xóm bản chỉ nhỏ như bao diêm. Mồ hôi đổ ướt đầm lưng. Cái ba lô trở nên nặng như một trái núi, tôi chỉ muốn hất văng nó xuống vực. Nhưng trong ba lô ấy, có lẽ là thứ duy nhất tôi có thể đem đến cho Hy. Vì nó, tôi đã chủ động tìm đến Hy, dù không chắc Hy còn ở đó.
Để có được sự đồng tình của mẹ vợ, Hy đã chấp nhận nhượng lại tất cả. Ngôi nhà mà Hy dành dụm trong bao nhiêu năm tháng làm lụng, mua đất, dựng nên rồi trong chính căn phòng hạnh phúc của mình mà Hy chưa được ngả lưng giây phút nào, đã chứng kiến cảnh vợ mây mưa cùng người đàn ông khác. Hy cũng để lại chiếc ô tô sang trọng của mình cho vợ. Cô ta đã mất tuổi trẻ cho Hy, giờ cô ta phải được bù đắp để có thể xây dựng một gia đình mới.
Hy chỉ còn lại công việc và đứa con trai. Đứa trẻ như một thiên thần. Hy nói, sẽ đưa con trai lên Tây bắc. Ở đó, Hy sẽ làm lại từ đầu, sẽ tránh xa mọi ưu phiền.
Nửa năm sau, câu chuyện ly hôn, giành quyền nuôi con của Hy đã hoàn tất. Hy chuẩn bị lên Tây bắc. Chúng tôi tổ chức một buổi liên hoan linh đình.
Đêm chia tay, tôi và Hy đứng trên cầu sông Hồng gió lộng. Hy bảo:
“Em không thích trang sức à? Đàn bà ai chẳng mê trang sức”.
“Em bị dị ứng với vàng”. - Tôi trả lời.
Hy cầm tay tôi. Bàn tay anh ta bối rối, lóng ngóng, vừa muốn giữ thật chặt, nhưng lại vừa muốn buông. Tôi biết điều đó khiến anh ta khó xử. Đêm khuya, những làn gió mang hơi lạnh của nước và sự cô đơn. Tôi cảm thấy lạnh, bỏ về.
Hy đưa con trai lên Tây bắc, cắt đứt mọi liên lạc với chúng tôi, cứ như chúng tôi là cục nợ của quá khứ, cần xóa bỏ vĩnh viễn, để làm lại từ đầu. Nào ngờ, tôi nhận được một tin đau nhói: Vợ Hy đã giành lại được đứa con. Cô ta đã đưa ra mọi bằng chứng chứng minh đứa trẻ không phải con Hy.
Vậy là, Hy đành bỏ vào rừng trồng lê, theo đuổi một dự án mà hơn mười năm trước người ta bỏ dở. Hy bảo lê là biểu tượng của chia ly. Nhưng Hy vẫn yêu hoa lê, yêu màu trắng trong ngần của chúng.
***
Ngôi nhà của người trồng lê nằm chon von trên đỉnh một ngọn đồi, trước nhà có một cây quế cổ thụ. Tôi vin cành bẻ một lá quế già, mùi hương thơm ngát làm tôi như tỉnh hẳn sau một cơn mê dài. Không có ai ở nhà. Tôi nhìn quanh những ngọn đồi trước mặt, không thấy bóng dáng một cây lê nào. Ai đó nói dự án đã không thành, người ta đã tính toán sai các quy trình kỹ thuật nên lê mới trồng đã chết hết.
Nhưng sao Hy không trở về? Tôi đứng tần ngần trong sân. Nếu gặp Hy, tôi sẽ nói gì với Hy nhỉ, tôi sẽ giải thích sao về việc tôi đến đây. Tôi có thể nào chỉ đến để nói với Hy rằng đứa con trai của vợ cũ Hy đã chết. Đứa bé ngã từ tầng ba ngôi nhà xuống, vì mẹ nó vẫn mê mải đuổi theo các cuộc tình, mà không làm tay vịn cầu thang. Tôi mang theo trong ba lô bức ảnh Hy bế con trai trong những ngày còn hạnh phúc.
Trong mùi hương thơm ngát của lá quế già, tôi thấy dưới chân đồi thấp thoáng bóng hai người đang đi đến. Một người đàn ông, một người đàn bà. Chẳng biết có phải Hy không, chỉ cảm thấy hình như họ đang vui lắm...
Bình luận (0)