Sau sự cố xuất hiện “hố tử thần” vào ngày 2.4, người dân thôn Hòa
Lạc huyện Mỹ Đức Hà Nội lo lắng khu vực gia đình họ đang sinh sống có
thể bị sụt lún bất cứ lúc nào.
Hiện trường được phong tỏa để đảm bảo an toàn cho người dân- Ảnh: Minh Chiến |
Chiều 5.4, trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Viết, Chánh văn phòng UBND H.Mỹ Đức cho biết, huyện vẫn đang phối hợp với Sở TN-MT, các nhà khoa học khảo sát, xác định nguyên nhân “hố tử thần” xuất hiện tại đây ngày 2.4.
Hiện “hố tử thần” sâu 11 mét, rộng hơn 100 mét vuông vẫn đang được phong tỏa. Ông Trần Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã An Tiến cho biết trong số 5 gia đình phải di dời, chỉ có 1 gia đình ở tạm tại nhà văn hóa xã, 4 gia đình còn lại tá túc tại nhà của người thân trong xã. “Hiện chúng tôi đang kiến nghị lên cấp trên hỗ trợ về vật chất cho các hộ dân này để ổn định cuộc sống” ông Hoành nói.
Được bố trí chỗ ở tạm thời tại nhà văn hóa xã, bà Nguyễn Thị Minh (59 tuổi) chia sẻ: “Thời điểm xảy ra vụ sụt lún gia đình tôi rất hoảng sợ. Tiếng động lớn khiến cả gia đình giật mình, khi ra kiểm tra thì xuất hiện một hố sâu hoắm. Điều chúng tôi lo lắng là sau khi trở lại sinh sống trên ngôi nhà của mình thì có xảy ra sụt lún như vậy nữa hay không”.
Chị Nguyễn Thị Mai (41 tuổi, hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất do vụ sụt lún) lo lắng: “Bây giờ gia đình chúng tôi không dám quay lại khu vực đó để ở nữa. Nếu đêm hôm mà tiếp tục sụt lún thì chúng tôi không thể chạy kịp”.
Đặc biệt, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc sụt lún trên địa bàn xã An Tiến. Ông Trần Văn Hoành cho biết, đã từng xảy ra 2 vụ sụt lún tương tự cách “hố tử thần” khoảng 100 mét. Cụ thể, năm 2006, một vụ sụt lún xảy ra với diện tích hẹp hơn nhưng sâu hơn, không nằm trong khu dân cư, hướng về phía bờ sông. Đến năm 2010, tiếp tục xuất hiện một “hố tử thần” với diện tích khoảng 40 mét vuông, sâu 0,25 mét nằm trên đường dân sinh. “Hai vụ sụt lún này chưa được làm rõ nguyên nhân, các cơ quan chức năng cũng chưa về khảo sát thực tế tại đây”, ông Hoành cho biết.
Có thể do khoan giếng
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Sở TN-MT Hà Nội cho biết đã cử đoàn xuống hiện trường kiểm tra, tìm hiểu làm rõ nguyên nhân theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội. Hiện, đoàn đang làm việc chưa có báo cáo kết quả cụ thể.
Theo TS.Nguyễn Văn Bình, Khoa Địa chất, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, từng có một số nghiên cứu về địa chất ở H.Mỹ Đức của cơ quan chức năng. Cá nhân TS.Bình cũng đã tìm hiểu rất kỹ về địa chất thì thấy, khu vực H.Mỹ Đức từng nhiều lần xảy ra sụt lún mặt đất vào các năm 2006, 2010, 2011, 2014 ở các xã lân cận xã An Tiến. “Nguyên nhân các lần sụt lún trước đây đều liên quan đến hoạt động khoan giếng lấy nước sinh hoạt của người dân. Nhiều khả năng, hố sụt hôm 2.4 ở xã An Tiến cũng có liên quan đến hoạt động khoan giếng. Cơ quan chức năng đi kiểm tra cần lưu ý khía cạnh này”, TS.Bình cho hay.
Cũng theo TS Bình, địa chất khu vực H.Mỹ Đức là có tầng đá vôi phân bố rộng, nứt nẻ mạnh. Đặc trưng của tầng đá vôi là có nhiều nứt nẻ mạnh, hang karst ngầm. Bên trên nền đá vôi này là lớp đất yếu, cát bở rời mà vẫn gọi chung là lớp hạt mịn. Lớp hạt mịn này rất dễ bị rửa trôi bởi các dòng nước ngầm. Khi có tác động từ con người như khoan giếng, hút nước sẽ gây ra vận động của dòng nước ngầm. Lớp hạt mịn dễ bị rửa trôi, cuốn vào các khe nứt nẻ của nền đá vôi. Hoặc khi khoan giếng, có thể tác động làm vỡ hổng hang karst ngầm, ban đầu gây tác động ít, nhưng lâu dần làm hang rỗng mở rộng, lớp hạt mịn bị cuốn vào trong hang. Khi đó, sẽ tạo ra khoảng trống hổng bên dưới, gây ra sụt lún mặt đất rất nhanh.
Cùng trên vùng có nền đá vôi ở H.Mỹ Đức, nơi không khoan giếng hoặc khoan giếng ít thì chưa có hiện tượng sụt lún mặt đất. Còn các nơi như xã Lê Thanh, Hợp Tiến, Xuy Xá...từng bị sụt lún mặt đất, tạo ra các hố tử thần là nơi có hoạt động khoan giếng khai thác nước ngầm mạnh.
Bình luận (0)