Dàn 'cá mập' choáng váng trước 'start up' bán bún gọi vốn ngàn tỉ

26/07/2018 21:14 GMT+7

Bún Nguyễn Bính gọi vốn 8 triệu USD với tham vọng làm 'bá chủ thế giới' nhưng vỡ mộng vì hiểu sai giá trị thương hiệu.

Thương vụ gây bất ngờ nhất Shark Tank tập 4 chính là lời kêu gọi vốn kỷ lục 8 triệu USD đến từ bà chủ thương hiệu bún Nguyễn Bính. Mức định giá cao kỷ lục này ngay lập tức khiến các “cá mập” choáng váng.
Nhà sáng lập công ty này cho biết bà bén duyên với ngành bún vì những trăn trở về sự mai một của ngành nghề truyền thống Việt và sự xuất hiện của nhiều sản phẩm hóa chất độc hại. Bà tự tin là người đi đầu trong công nghiệp hóa ngành làm bún truyền thống.
Bà chủ thương hiệu bún này cũng cho biết cách đây ba năm, công ty được một đối tác Thái Lan đến định giá 100 tỉ đồng và muốn đầu tư 49% cổ phần nhưng bà không chấp nhận. Trong ba năm trở lại đây, công ty có doanh thu tăng gấp hai lần, nhà sáng lập đề nghị 8 triệu USD để đổi lấy 20% cổ phần.
Định giá 1000 tỷ, thương hiệu bún Nguyễn Bính khiến các cá mập "choáng váng"1
Nhà sáng lập bún Nguyễn Bính không chứng minh cụ thể được con số chính xác về lợi nhuận sản phẩm cũng như những định giá chính xác về giá trị công ty nên không thể thuyết phục được các shark đầu tư cho mình
Đề cập đến vấn đề tài sản hiện sở hữu, bà này cho biết nhà cửa, máy móc, trang thiết bị, vật dụng… có giá trị lên đến 100 tỉ, nhưng đồng thời cũng đang nợ ngân hàng 17 tỉ đồng.
Shark Phú nhận xét việc kêu gọi gần 200 tỉ đồng cho 20% tức start up đang định giá công ty lên đến 1.000 tỉ đồng là vô cùng phi lý. Tuy vậy, bà chủ bún Nguyễn Bính lại cho rằng việc này hoàn toàn bình thường, bởi thương hiệu của mình đang đứng đầu quốc gia và giá trị thương hiệu của start up này là “vô hình”. Bà khẳng định chỉ sau sáu tháng sẽ nắm chắc trong tay 50% thị phần tại TP.HCM.
Rất tâm huyết với các sản phẩm truyền thống, nên Shark Phú cần thêm các số liệu tài chính để chứng thực việc đầu tư này là có tương lai nhưng bà chủ chỉ cho biết hiện tại công ty đang quá tải và cần nhà xưởng. Ngoài việc chia sẻ 1 kg gạo sẽ làm được 2,3 kg bún, các số liệu khác, bà quyết định không "đặt lên bàn" với các nhà đầu tư.
Trước lượng thông tin “nhỏ giọt” này, Shark Hưng nhanh chóng “xin phép” không thể đầu tư vì cho rằng không có căn cứ nào chứng minh công ty có thể chiếm 50% thị phần tại TP.HCM. “Ba năm doanh thu tăng gấp hai lần, giá trị thương hiệu tăng lên mười lần. Nếu giá trị thương hiệu để càng lâu càng tăng tôi khuyên chị nên để 10 năm nữa bán để kiếm ngàn tỉ”, Shark Hưng nói.
Định giá 1000 tỷ, thương hiệu bún Nguyễn Bính khiến các cá mập "choáng váng"2
Sau khi chương trình phát sóng, nhiều người cho rằng đây là ý đồ của ban tổ chức khi cố tình đưa một star up “mang tính giải trí” để câu view cho chương trình
Trước sự ngộ nhận càng làm lớn thì càng có lãi cao, Shark Phú cho biết: “Thông thường, bọn tôi làm sản xuất ngành thực phẩm chỉ được phép cộng hết tất cả khấu hao và tiền lương, giá vốn chỉ được chiếm độ khoảng 40% là cùng. Riêng tiền gạo chị đã chiếm 50% rồi, chưa tính tiền nhân công, điện, nước, nhà xưởng… như vậy khi chị làm lớn không phải có lãi cao. Bây giờ chị đang hạch toán chưa đầy đủ nên chị thấy rằng có lãi thôi”, Chủ tịch Sunhouse nói.
Trước lý lẽ chặt chẽ đến từ nhà đầu tư, bà chủ công ty bún thừa nhận trước giờ chỉ kinh doanh dưới dạng gia đình, không có hệ thống quản lý, chưa tổng hợp tổng lượng hàng hóa sản xuất ra mỗi ngày. Tuy nhiên, bà cũng từ chối lời đề nghị cho vay để xây dựng nhà xưởng của Shark Phú.
Mặc dù rất nể phục trước quyết tâm và tham vọng đưa ngành bún truyền thống của Việt Nam tiến tới ‘'bá chủ thế giới'’ của bà chủ bún Nguyễn Bính nhưng Shark Việt cũng đành rút lui. Shark Việt cho rằng nhà đầu tư cần biết sẽ hoàn vốn và mức cổ tức thế nào, nhưng start up đã không kê khai được các số liệu minh bạch. Đây cũng lý do "shark Dzung" từ chối đầu tư, mặc dù "cá mập công nghệ" chia sẻ anh rất thích ăn bún. Shark Linh cũng từ chối và cho rằng: “Công ty này có lời hay không Linh cũng không đầu tư”.
Bà chủ bún Nguyễn Bính dù không nhận được sự đồng ý hợp tác của các shark nhưng bà khẳng định: "Nếu tôi có nhà đầu tư, tôi sẽ phát triển nhanh, mạnh và tôi sẽ bao trùm được với khả năng và năng lực của tôi. Còn các shark đầu tư được hay không đầu tư được đối với tôi không thành vấn đề. Bởi vì tôi đã có đường lối của tôi”.
Trên fanpage của chương trình, rất nhiều khán giả tranh luận và tỏ ra khó chịu với thương vụ này. Nhiều khán giả nhận xét chương trình đang cố tình câu view khi ban tổ chức có thể đưa một start up với mức thỏa thuận quá vô lý như vậy nhưng vẫn được vào vòng gọi vốn gây mất thời gian cho các shark và làm mất đi cơ hội của nhiều start up phù hợp thực sự. Facebooker Huy Le để lại bình luận: “Không hiểu là ê-kíp muốn đưa lên để câu view hay là không chọn lọc kỹ để những người như thế này có thể vào tận tới vòng gọi vốn. Mong là chương trình không chọn lọc kỹ và rút kinh nghiệm lần sau thôi, còn nếu câu view thì không nên. Cứ như là mình đang ở chợ xem mấy cô bán cá thịt cãi nhau với người đi chợ. Làm mình chẳng còn hứng thú xem hai vụ sau, hỏng cả chương trình”.
Tuy nhiên, nhiều khán giả cũng nhận thấy thương vụ này để lại nhiều bài học cho các start up. Facebook Jacob Võ nhận xét: “Cô này có 14 năm kinh nghiệm trong việc buôn bán theo kiểu gia đình chứ không phải dạng công ty lớn hay nhỏ nên vấn đề gọi vốn chỉ ở dạng như cùng hợp tác hay đi vay tiền thôi chứ họ không có hệ thống để thống kế những con số lời hay lỗ. Cách cô thuyết trình không được thuyết phục cho lắm nhưng nghị lực và sự đam mê có chí cầu tiến của cô cũng đáng để học hỏi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.