Dân cần, tòa không được từ chối

23/09/2014 03:00 GMT+7

Sáng qua, trong phiên thảo luận lần đầu về dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi ở Ủy ban TVQH, các ý kiến chưa đồng nhất về việc bổ sung quy định khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ việc dân sự thì tòa án nhân dân không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Sáng qua, trong phiên thảo luận lần đầu về dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi ở Ủy ban TVQH, các ý kiến chưa đồng nhất về việc bổ sung quy định khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ việc dân sự thì tòa án nhân dân không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Dân cần, tòa không được từ chối
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tờ trình về dự án luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật - Ảnh: TTXVN

Trình dự thảo tại phiên họp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay về nội dung tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự tại khoản 3 điều 5 còn có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất (được cơ quan soạn thảo đồng tình) cho rằng bộ luật Dân sự cần bổ sung quy định khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ việc dân sự thì tòa án nhân dân không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp chưa có điều luật thì tòa án cần áp dụng quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong bộ luật Dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ việc dân sự của người dân.

Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị cần cân nhắc quy định trên vì khó đảm bảo khả thi trong điều kiện hiện nay.

Đồng tình bổ sung quy định như khoản 3 điều 5, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị để đảm bảo tính khả thi của quy định này, cần quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong bộ luật Dân sự làm căn cứ để tòa án áp dụng giải quyết vụ việc dân sự của người dân.

Phải bảo vệ quyền hợp pháp của công dân

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng quy định như dự thảo bộ luật sửa đổi về việc tòa án phải thụ lý tất cả vụ việc dân sự mà người dân có yêu cầu trong khi chưa có luật định là không phù hợp với luật pháp VN. “Tất cả cơ quan giải quyết mọi việc phải theo quy định của pháp luật chứ chúng ta không giải quyết theo án lệ. Luật chưa quy định mà bắt tòa án cứ thụ lý giải quyết thì không biết căn cứ giải quyết ở đâu?”, ông Hiện phản biện. Thậm chí, ông Hiện khá gay gắt khi cho rằng: “Nói đây là vấn đề mới, nhưng mới mà không hay, ngược đời thì làm sao đưa vào luật được. Trong bối cảnh khiếu kiện nhiều, có những việc giải quyết theo luật xong rồi dân còn chưa chịu nữa là giải quyết khi chưa có luật định. Luật chưa quy định thì tòa chưa thụ lý, chưa thể giải quyết được khởi kiện của dân”.

“Thế là từ chối quyền của công dân rồi đấy”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng trước các phản bác vừa nêu.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đồng tình với quan điểm của ban soạn thảo. Theo ông Ksor Phước, việc sửa đổi bộ luật Dân sự lần này cần tiếp thu những quy định mới của Hiến pháp 2013 liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Tòa án phải bảo vệ quyền hợp pháp của công dân.

Dự thảo bộ luật có tổng số 672 điều, giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều, bãi bỏ 149 điều so với bộ luật hiện hành. Dự kiến, nhiều nội dung quan trọng của dự luật sửa đổi sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, được thảo luận và xem xét thông qua trong 3 kỳ họp của QH.

Thu gọn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự án luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chiều 22.9, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dự thảo luật đã giải quyết được nhiều bất cập quy định pháp luật hiện hành. Dự thảo luật tiếp tục thu gọn các hình thức văn bản quy phạm pháp luật theo hướng mỗi cơ quan có thẩm quyền chỉ ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật và bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số chủ thể như thông tư liên tịch giữa các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Mặt khác, dự thảo luật không quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước, HĐND và UBND cấp xã. “Cả nước ta có tới hơn 11 ngàn xã, phường, thị trấn, nếu tiếp tục giữ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì sẽ làm cho hệ thống pháp luật tiếp tục phức tạp”, Phó thủ tướng cho biết.

Nhằm hạn chế tình trạng “lạm phát” ban hành thông tư, đồng thời khắc phục tình trạng “khép kín” trong quy trình ban hành thông tư, dự thảo luật đưa ra nhiều quy định về quy trình soạn thảo, ban hành thông tư với một số cơ chế mới để kiểm soát. Trong đó, đối với dự thảo thông tư có quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân và doanh nghiệp thì bắt buộc phải đánh giá tác động, lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc VN; Phòng Thương mại - Công nghiệp VN và các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan. Nếu thông tư có tính đa ngành thì phải thành lập hội đồng tư vấn thẩm định có sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan.

Thái Sơn

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.